Chỉ số giá tiêu dùng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 6/2022 đã tăng 1,3% so với tháng liền trước do chi phí xăng dầu và thực phẩm vẫn ở mức cao. Tỷ lệ này cao hơn khá nhiều so với mức dự kiến của các nhà phân tích là tăng 1,1% trong cuộc khảo sát của Reuters.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất hơn nữa, và tăng nhanh hơn so với các ngân hàng khác bao gồm Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong kỳ họp vào ngày 26-27 tháng 7 và các nhà đầu tư đặt cược rằng mức tăng 100 điểm cơ bản có thể được đưa ra sau khi dữ liệu vừa công bố cho thấy lạm phát vẫn đang rất mạnh.
Trong lịch sử hai thập kỷ tương đối ngắn ngủi của mình, đồng euro là đồng tiền được tìm kiếm nhiều thứ hai trong danh mục dự trữ ngoại hối toàn cầu và doanh thu hàng ngày tính theo đồng euro/đô la là cao nhất trong số các đồng tiền trên thị trường toàn cầu, 6,6 nghìn tỷ đô la mỗi ngày.
Sự trượt giá của đồng euro là một vấn đề đau đầu đối với ECB. Việc để đồng tiền giảm giá càng thúc đẩy lạm phát cao kỷ lục – điều mà ECB đang đấu tranh để kiềm chế. Nhưng cố gắng duy trì tỷ giá bằng lãi suất cao tăng có thể làm trầm trọng thêm rủi ro suy thoái trong khu vực.
Trong khi đó, sự bất ổn gia tăng trên toàn cầu và lập trường chính sách tiền tệ tích cực của Fed đã mang lại sức hấp dẫn cho đồng USD với vai trò là nơi trú ẩn an toàn.
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – phiên vừa qua có lúc đạt 108,59, cao nhất kể từ tháng 10 năm 2002, so với khoảng 107,9 trước khi dữ liệu được công bố. Tuy nhiên, sau đó DXY hạ nhiệt, lúc kết thúc ngày 13/7 theo giờ Việt Nam giảm 0,23% so với phiên liền trước, xuống 107,81.
Đồng tiền chung đang bị tổn thương do khu vực này phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng do các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga.
Lou Brien, chiến lược gia thị trường của DRW Trading, trụ sở ở Chicago, cho biết: “Các biện pháp trừng phạt với mục tiêu làm tổn thương Nga cũng đang làm tổn thương Liên minh châu Âu”. “Họ đang ở trong thời kỳ khó khăn khi vừa bắt đầu thoát khỏi đại dịch, khiến đồng euro càng trở nên kém hấp dẫn.”
Stuart Cole, nhà kinh tế vĩ mô của Equiti Capital ở London, cho biết: “Phân phối xăng, lạm phát đình trệ, suy thoái dự kiến, tất cả đều là những lý do chính đáng để đồng euro giảm giá”. Ông nói thêm rằng những yếu tố này sẽ khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu khó tăng lãi suất hơn nữa, làm gia tăng chênh lệch lãi suất với Mỹ.
Lo ngại về triển vọng kinh tế châu Âu đã tăng lên kể từ khi đường ống lớn nhất dẫn khí đốt của Nga đến Đức, đường ống Nord Stream 1, bắt đầu bước vào giai đoạn bảo trì thường niên từ ngày 11/7. Các chính phủ, thị trường và các công ty đều lo ngại thời gian bảo trì sẽ kéo dài vì cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, cho biết: “Con số (lạm phát) cao một cách đáng kinh ngạc, cao hơn so với dự kiến và cho thấy lạm phát đang nhanh chóng đi sai hướng “.
Đồng euro phiên vừa qua giảm xuống 0,9998 USD, phá vỡ dưới mức 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm 2002, trước khi hồi phục nhẹ lên 1,0023 USD vào lúc kết thúc ngày 13/7 theo giờ Việt Nam.
Kể từ khi ra đời vào năm 1999, đơn vị tiền tệ này có rất ít thời gian dưới mức tương đương USD. Trên thực tế, lần cuối cùng euro ngang giá với đô la Mỹ là giữa năm 1999 và 2002, khi EUR giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,82 USD vào tháng 10 năm 2000.
Đồng tiền chung của châu Âu bước vào năm nay khá mạnh mẽ với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Nhưng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đột ngột xảy ra, giá khí đốt tại châu Âu tăng cao và lo ngại rằng Moscow có thể cắt nguồn cung cấp thêm nữa đã làm dấy lên bóng ma suy thoái và làm tổn thương đồng euro.
Tổng Hợp