Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xác định đối tượng công chúng trọng tâm để tập trung tuyên truyền là người gửi tiền tại khu vực nông thôn, miền núi, người gửi tiền ít có điều kiện tiếp cận với thông tin về hoạt động ngân hàng, bảo hiểm tiền gửi.
Quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, người gửi tiền nhận biết được về nội dung cơ bản của chính sách bảo hiểm tiền gửi, vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong mạng an toàn tài chính, phương thức bảo vệ người gửi tiền của chính sách bảo hiểm tiền gửi; nhận biết trong điều kiện nào thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có nghĩa vụ chi trả bảo hiểm. Ở mức độ cao hơn, người gửi tiền có nhận thức chung, có niềm tin về sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Một trong năm quan điểm lớn của Chính phủ đặt ra trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là thúc đẩy tài chính toàn diện đi đôi với sự an toàn, hiệu quả và bền vững của hệ thống tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tổ chức các sự kiện truyền thông, đặc biệt là phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan, đơn vị để tuyên truyền tích hợp, lồng ghép, dần dần gia tăng nhận thức của công chúng về chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Trước xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ của hệ thống tài chính – ngân hàng, Luật BHTG đang được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới và sự thay đổi của hệ thống pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo sự đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các định chế tài chính hoạt động hiệu quả. Theo các chuyên gia, khi sửa đổi Luật BHTG cần xem xét những nội dung sau:
Bổ sung quy định cụ thể về các khoản tiền gửi được bảo hiểm, các khoản tiền gửi không được bảo hiểm. Trên thực tế còn một số khoản tiền chưa rõ có thuộc tiền gửi được bảo hiểm không, ví dụ: tiền gửi ký quỹ, tiền của thẻ trả trước, tiền mua trái phiếu tổ chức tín dung (TCTD).
Sửa đổi, bổ sung quy định về niêm yết chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi theo hướng tổ chức tham gia BHTG chỉ có một điểm giao dịch đồng thời là trụ sở chính được niêm yết chứng nhận tham gia BHTG thay cho bản sao.
Xem xét quy định phí BHTG theo xếp hạng từng TCTD hay áp dụng mức phí đồng hạng. Việc áp dụng mức phí bảo hiểm phân biệt giữa các TCTD là phù hợp với xu thế phát triển cạnh tranh, tạo sự công bằng và khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG có hoạt động tốt sẽ được hưởng mức phí bảo hiểm tiền gửi thấp hơn.
Tuy nhiên, áp dụng mức phí phân biệt cũng có những khó khăn bởi hệ thống các TCTD Việt Nam vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại, gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém. Nếu áp dụng phí BHTG phân biệt sẽ làm tăng gánh nặng tài chính đối với các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là những TCTD có độ rủi ro cao, gia tăng khó khăn cho quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức này.
Mặt khác, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD thì các TCTD được kiểm soát đặc biệt được miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi. Thực tế thời gian qua ở Việt Nam vẫn đang áp dụng mức phí đồng hạng 0,15% trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG.
Với mức phí đồng hạng như hiện nay giúp BHTGVN tăng trưởng ổn định về nguồn thu phí BHTG cùng như quỹ dự phòng nghiệp vụ , tạo nguồn cho BHTGVN thực hiện chi trả bảo hiểm đối với người được BHTG khi cần thiết và hỗ trợ các TCTD tái cơ cấu.
Mô hình hoạt động của BHTGVN cũng cần được xác định rõ hơn, bởi Luật BHTG chỉ quy định tổ chức BHTG là tổ chức tài chính do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Quy định về nguồn vốn, đầu tư, các nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, các loại thông tin mà BHTGVN được tiếp cận… cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới của BHTGVN.
Nhật Hạ