Bước sang tháng 2/2023, hầu hết các ngân hàng vẫn duy trì lãi suất vay mua nhàở mức cũ, dao động trong khoảng từ 4,99 – 11,7%/năm…
Trước đó, sau đà tăng mạnh lãi suất cho vay, một số ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay nhằm cung ứng vốn, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và giúp khách hàng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đã có 16 tổ chức tín dụng đăng ký, cam kết giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5-2%/năm, có đơn vị giảm lãi suất cho vay tới 3,5%/năm.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và người dân có nhu cầu vay mua nhà đánh giá, với lãi suất trung bình vẫn cao như hiện nay thì mức giảm từ 0,5 – 2%/năm không đáng kể bởi người vay vẫn phải chịu mức lãi suất trên 10%.
Bên cạnh đó, động thái giảm lãi suất chỉ diễn ra nhỏ lẻ, không phải là xu hướng chung, đồng thời, các ngân hàng cũng không áp dụng giảm lãi suất cho vay đại trà mà chỉ hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh cụ thể và BĐS không nằm trong lĩnh vực được ưu tiên.
Ngân hàng Shinhan Bank và Hong Leong Bank có sự điều chỉnh giảm lãi suất.
Các ngân hàng có lãi suất vay mua nhà thấp nhất hiện nay vẫn tiếp tục là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam – MSB (4,99%/năm), TMCP Đại Chúng Việt Nam – PVcomBank (5%/năm) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong – TPBank (5,9%/năm).
Ngân hàng có lãi suất vay mua nhà thấp nhất đang là MSB, nhưng chỉ cố định mức lãi suất này trong 3 tháng đầu, từ tháng thứ 4 trở đi, MSB sẽ áp dụng lãi suất thả nổi theo lãi suất thị trường.
PVcomBank cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi 5%/năm nhưng chỉ áp dụng trong 6 tháng đầu, từ tháng thứ 7 sẽ áp dụng lãi suất thả nổi là 12%/năm.
Giới chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định, với tốc độ tăng lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn ở mức cao như hiện nay thì khả năng lãi suất cho vay sau thời gian ưu đãi cũng sẽ duy trì ở mức cao.
Theo đó, với các ngân hàng nhỏ áp dụng lãi suất từ 8 – 9%/năm trong huy động vốn, biên độ thường cộng thêm khoảng 5 – 6% thì lãi suất cho vay mới khoảng 13 -15%/năm.
Các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước thường áp dụng biên độ cộng thêm khoảng 3 – 5%/năm thì lãi vay mới sẽ thấp hơn. Các khoản vay càng dài hạn thì lãi suất sẽ càng tăng cao.
Trong khi đó, tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực BĐS mới đây, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết các ngân hàng thống nhất thực hiện chỉ đạo của Thống đốc và hệ thống ngân hàng trong thời gian tới sẽ giảm lãi suất huy động. Từ đó giảm lãi suất cho vay trong đó giảm lãi suất cho vay BĐS để hỗ trợ thị trường.
Đối với cho vay nhà ở cá nhân, nếu so với mặt bằng chung trong khu vực, giá nhà đất hiện nay tại Việt Nam đang cao hơn thu nhập, gây khó khăn đến nguồn trả nợ. Vì thế, ngân hàng cũng cần thận trọng trong việc thẩm định đánh giá nguồn trả nợ của khách hàng cá nhân…
Trong khi lãi suất huy động có dấu hiệu hạ nhiệt thì lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bất ngờ tăng vọt. Sau khi Ngân hàng Nhà nước bất ngờ chuyển từ trạng thái bơm ròng sang hút ròng khiến cho lãi suất liên ngân hàng bật tăng. Cụ thể, ngày 2.2.2023 lãi suất kỳ hạn 9 tháng bất ngờ tăng từ mức 9,61% lên 13%/năm. Tuy nhiên, doanh số giao dịch tại kỳ hạn này chỉ ở mức 200 tỉ đồng, chiếm chưa đến 0,1% quy mô giao dịch liên ngân hàng trong phiên này.
Đến ngày 3.2.2023, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng là 9,61%. Số liệu này được chú thích thêm là so với mốc tham chiếu từ ngày 26.12.2022.
Tổng Hợp
(Tiền Phong, Lao Động)