Dù Chính phủ chỉ đạo bố trí nguồn vốn ưu đãi lãi suất để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong dịch COVID-19, song thực tế là doanh nghiệp vẫn rất khó tìm kiếm nguồn vốn. Một trong những minh chứng là lãi suất trái phiếu doanh nghiệp không những không giảm, mà còn tăng lên.
Quý 1 thường là quý thấp điểm phát hành trong năm do có Tết Nguyên đán và là giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp. Không những thế, trong năm nay các doanh nghiệp còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng lượng phát hành vẫn tăng trưởng khoảng 39% so với cùng kỳ 2019.
Cụ thể, theo thống kê của SSI, có tổng cộng 47,5 nghìn tỷ đồng TPDN được phát hành trong quý 1/2020. Trong đó gồm 5.000 tỷ đồng phát hành ra công chúng của CTCP tập đoàn Masan (MSN), còn lại là 256 đợt phát hành riêng lẻ của 17 doanh nghiệp niêm yết và 48 doanh nghiệp chưa niêm yết.
Nhóm bất động sản dẫn đầu cuộc đua phát hành trái phiếu
Nhóm các doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về khối lượng phát hành với 33 doanh phiệp phát hành tổng cộng 23.202 tỷ đồng, chiếm tới 49% khối lượng phát hành toàn thị trường trong quý 1/2020 và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Top 10 doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều trái phiếu nhất quý 1/2020
10 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất trong quý 1 gồm: TNR Hodings (phát hành 5.347 tỷ đồng); CTCP phát triển Golf Thiên Đường (2.681 tỷ đồng); Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long (2.000 tỷ đồng), CTCP City Garden (1.598 tỷ đồng); CTCP Đầu tư BĐS Đông Dương (1.200 tỷ đồng); CTCP Đầu tư và XD Phú Thượng (1.100 tỷ đồng); CTCP Hưng Thịnh land (1.000 tỷ đồng); CT TNHH PT Phú Mỹ Hưng (900 tỷ đồng); CTCP Địa Cầu (708 tỷ đồng); CPTP Phát triển đại ốc Sông Tiên (600 tỷ đồng); CTCP Trung Nam (600 tỷ đồng).
Lãi suất phát hành cao nhất thuộc về City Garden với kỳ hạn 2,3 năm lãi suất lên tới 13,3%/năm. Theo sau là BĐS Đông Dương kỳ hạn 4 năm với lãi suất 12%/năm. Lãi suất phát hành thấp nhất thuộc về Phú Mỹ Hưng với kỳ hạn 4,25 năm lãi suất bình quân là 7,15%/năm.
Trong khi nhóm bất động sản tăng mạnh phát hành trái phiếu trong quý 1 thì nhóm ngân hàng chỉ phát hành 940 tỷ đồng (chiếm 2,3% tổng lượng trái phiếu phát hành quý 1) gồm 230 tỷ đồng trái phiếu 10 năm của ACB và 710 tỷ đồng trái phiếu 7 năm của TPBank. Cơ cấu phát hành khá tương đồng so với cùng kỳ 2019.
Đáng chú ý, SSI nhận định lãi suất phát hành bình quân tăng từ 10-25 điểm phần trăm mỗi quý trong 4 quý gần đây, từ mức 10,21%/năm trong quý 2/2019 lên 10,77%/năm trong quý 1/2020 dù kỳ hạn phát hành bình quân dài hơn.
Có 10.785 tỷ đồng trái phiếu có lãi suất cố định, chiếm 46,5% lượng phát hành quý 1/2020. Tỷ trọng này tăng so với mức 40,3% của cả năm 2019. Trong bối cảnh xu hướng giảm của lãi suất đang chiếm ưu thế, nhà đầu tư sẽ ưa thích các trái phiếu có lãi suất cố định hơn lãi suất thả nổi.
Với 12.417 tỷ trái phiếu lãi suất thả nổi, biên độ lãi suất cộng thêm các kỳ sau dao động phổ biến trong vùng từ 3-4%/năm nhưng nhiều lô có kèm thêm điều kiện lãi suất các kỳ sau không thấp hơn kỳ đầu tiên.
Các ngân hàng mua từ 4.300-6.050 tỷ đồng trái phiếu bất động sản
Theo bảng công bố thông tin phát hành của các doanh nghiệp, các NHTM mua vào 4.348 tỷ đồng, tương đương 19,5% lượng trái phiếu bất động sản phát hành trong quý 1/2020. Trong đó, nhiều nhất là VPBank với 1.598 tỷ đồng trái phiếu các kỳ hạn từ 18-30 tháng của CTCP City Garden và 500 tỷ đồng trái phiếu các kỳ hạn 24 và 36 tháng của CTCP TM-DL-ĐT Cù Lao Chàm.
Một số lô trái phiếu chỉ ghi bên mua là tổ chức trong nước nhưng lãi suất tham chiếu lấy theo lãi suất tiết kiệm của 1 ngân hàng cụ thể và chính ngân hàng đó là đại lý quản lý tài sản đảm bảo, đại lý lưu ký cho trái phiếu. Nhiều khả năng ngân hàng đó chính là bên mua trái phiếu. Nếu tính cả những trái phiếu này, lượng trái phiếu bất động sản mà các NHTM mua trong quý 1/2020 là hơn 6.050 tỷ đồng.
Nguồn Nhà Đầu Tư: https://nhadautu.vn/lai-suat-trai-phieu-doanh-nghiep-van-tang-cao-d36516.html