Các nhà băng đã thực hiện điều chỉnh biểu lai suất về mức quy định của nhà điều hành tiền tệ thậm chí có những nhà băng đã thực hiện hạ lãi suất ngay từ phiên giao dịch cuối tuần trước.
Chẳng hạn, tại ABBank – nhà băng này đã điều chỉnh hạ lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng về 4,5%/năm, trong khi đó kỳ hạn từ 2 tháng – 5 tháng giảm 0,25 điểm % so với biểu lãi suất cũ, xuống còn 4,75%/năm.
Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất với hình thức gửi tiền tại quầy của ABBank đứng ở mức 7,9%/năm, với các kỳ hạn từ 15 tháng – 60 tháng.
Ngoài ra, với khoản tiền gửi trên 1.500 tỷ đồng, lãi suất tiết kiệm thực hiện theo quy định của ngân hàng từng thời kỳ.
Cũng “đi trước đón đầu”, VIB cũng vừa điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng xuống mức 4,75%/năm từ cuối tuần trước.
Tương tự, tại PVCombank lãi suất kỳ hạn 1 tháng – 5 tháng cũng đồng loạt điều chỉnh giảm xuống còn 4,25%/năm, thấp hơn 0,25 điểm % so với trần quy định mới của Ngân hàng Nhà nước.
Với hình thức giao dịch tại quầy, lĩnh lãi cuối kỳ lãi suất tiết kiệm cao nhất đang được PVCombank giữ ở mức 7,3%/năm đối với các kỳ hạn 15 tháng – 60 tháng.
Biểu lãi suất có hiệu lực từ 19/6 của Oceanbank cũng cho thấy, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã về 4,75%/năm như quy định. Đồng thời, ngân hàng giảm 0,1% các kỳ hạn khác, đưa lãi suất kỳ hạn 6 tháng còn 7,5%/năm, 12 tháng 7,7%/năm và 36 tháng xuống 8%/năm – cao so với biểu lãi suất niêm yết của nhiều ngân hàng khác ở thời điểm hiện tại.
Tương tự, với hình thức lĩnh lãi trước, lãi suất tiết kiệm từ 1 tháng đến 5 tháng có hiệu lực từ hôm nay 19/6 của Eximbank đang dao động từ 3,45% – 3,75%; lĩnh lãi hàng tháng ở mức 4,55%, trong khi đó với các khoản tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn này ở mức tối đa như quy định (4,75%/năm).
Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Eximbank hiện đang ở mức 7,5%/năm, dao động từ 15 tháng đến 3 tháng.
Biểu lãi suất tại các ngân hàng nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank cũng “nhảy số sốc”. Đơn cử như tại Agribank, kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng lãi suất tiết kiệm chỉ 3,4%/năm; kỳ hạn từ 3 tháng – 5 tháng là 4,1%/năm – thấp hơn so với mức trần là 0,64 điểm %. Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Agribank theo biểu niêm yết đang đứng ở mức 6,3%/năm.
Có biểu lãi suất nhỉnh hơn, BIDV niêm yết lãi suất tiết kiệm từ 4,1%/năm – 4,6%/năm với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại BIDV hiện cao hơn 0,5 điểm % so với tại Agribank. Đây cũng là biểu lãi suất tại Vietcombank và VietinBank.
PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, trần lãi suất huy động chỉ giảm 0,25%, tức là từ 5%/năm xuống 4,75%/năm thay vì mức giảm 0,5% như các mức lãi tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu là hợp lý. Bởi mức lãi suất huy động có vai trò rất quan trọng vì chúng ta sẽ phải đảm bảo chênh lệch lãi suất đủ lớn giữa tài sản bằng nội tệ với tài sản bằng ngoại tệ để tránh áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối.
“Như vậy, việc chúng ta đưa ra trần lãi suất huy động như vậy đã đủ mức lãi suất hấp dẫn đối với tài sản bằng VND. Từ đó giảm tình trạng đô la hóa, giảm áp lực về cầu ngoại tệ cho thị trường ngoại hối”, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng nhấn mạnh.
Nói thêm về dư địa cho lãi suất điều hành, Phó Giám đốc học viện Ngân hàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm khoảng 0,5 điểm % cho từ giờ đến cuối năm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng nhà quản lý tiền tệ sẽ giảm “kịch khung” 0,5 điểm % các loại lãi suất điều hành, thay vào đó việc quyết định giảm thêm bao nhiêu % sẽ căn cứ vào rất nhiều yếu tố để Ngân hàng Nhà nước điều hành một cách linh hoạt, chủ động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tổng Hợp
(Dân Việt)