Tháng 9/2021, thị trường tiền tệ tiếp tục đón thêm đợt hạ lãi suất huy động VND mới xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua…
Lãi suất huy động từ mức 14 – 15%/năm xuống còn 4 – 5%/năm là thành quả của việc đưa nền kinh tế – tài chính từ trạng thái bất ổn về trạng thái bình thường.
Kết quả này có vai trò rất lớn của Chính phủ trong việc quản lý chính sách tài chính – tiền tệ. Cụ thể, chính sách tiền tệ đã bắt đầu thắt chặt trong giai đoạn 2012 – 2013; vào các năm tiếp theo, chính sách tiền tệ thận trọng được áp dụng đi cùng với thu chi ngân sách có kế hoạch dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô đã giúp lạm phát hạ nhiệt xuống chỉ còn 2 – 4%/năm.
Với mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp kỷ lục, lượng tiền gửi vào ngân hàng đã chậm lại rõ rệt kể từ đầu năm. Số liệu mới nhất từ NHNN cho thấy trong tháng 7, tổng tiền gửi giảm 0,2% so với tháng trước và chỉ tăng 3,6% so với cuối năm 2020. Tăng trưởng tiền gửi hầu như đi ngang trong suốt 3 tháng qua, khi dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp và khiến nhu cầu tiền mặt tăng.
Giới phân tích cho rằng, mặc dù chênh lệch tiền gửi – tín dụng tiếp tục thu hẹp nhưng mức chênh lệch này chưa thực sự tạo áp lực và lãi suất huy động vẫn tiếp tục đi ngang, thậm chí có thể giảm trong trường hợp NHNN cần phải có các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào hơn so với năm ngoái, khi hơn một năm trở lại đây, NHNN gần như không sử dụng tới các hoạt động thị trường mở và kênh tín phiếu ở trạng thái đóng băng từ tháng 6/2020. Thêm vào đó, lãi suất liên ngân hàng vẫn đang thấp hơn so với mức trung bình của năm 2020. Trong thời gian tới, thanh khoản các ngân hàng được dự báo sẽ còn “dư dả’’ hơn nữa khi NHNN chuyển phương thức mua ngoại tệ kỳ hạn sang giao ngay; đồng thời hạ lãi suất giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ từ 0,5% xuống còn 0%.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 chỉ tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020. Như vậy, tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Tháng 9/2021, thị trường tiền tệ tiếp tục đón thêm đợt hạ lãi suất huy động VND mới xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, dao động ở 2,7 – 4,0% cho kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 – 5,0% cho kỳ hạn 6 – 12 tháng và 4,6 – 6,5% cho kỳ hạn trên 12 tháng. Tại các ngân hàng lớn, lãi suất kỳ hạn 6 tháng đã giảm xuống còn 4%/năm; kỳ hạn 12 tháng đã dưới 5,5%/năm. Với tiền gửi của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế, lãi suất mới áp còn thấp hơn nữa. Còn nhớ giai đoạn 2010 – 2011, trong bối cảnh NHNN thắt chặt tiền tệ thông qua việc tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn đã buộc phải tăng lãi suất huy động lên cao kỷ lục. Trong báo cáo năm 2011, NHNN từng thừa nhận lãi suất huy động VND bình quân vào cuối tháng 6/2011 ở mức 15,6%/năm, cao hơn trần lãi suất 14%/năm do một số ngân hàng khó khăn về thanh khoản đã “lách” quy định trần lãi suất.
Như vậy, trong vòng 10 năm qua, lãi suất huy động tiền gửi tại Việt Nam đã giảm khoảng 10 điểm %, mức giảm mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)