Làn sóng giảm mạnh lãi suất huy động đang diễn ra không chỉ ở các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân mà ngay cả 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cũng đã nhập cuộc.
Theo đó, lãi suất tại 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã giảm từ 0,25-0,3%/năm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5%/năm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mức lãi suất cao nhất dành cho khách hàng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) hiện chỉ ở mức từ 6-6,1%/năm thay vì mức 6,5-6,6%/năm trước đó, vốn đã là mức thấp nhất trong hệ thống.
Tại nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) hay Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), lãi suất nhiều kỳ hạn cũng giảm từ 0,5-0,9%/năm.
Làn sóng này cũng lan tới nhiều ngân hàng vốn có mức lãi suất huy động rất cạnh tranh như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB)… với mức giảm từ 0,1-0,3%/năm.
Lãi suất tiền gửi hiện ở mức từ 3,5-4,25%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 4,4-6,7%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và từ 5,5-7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. So với thời điểm cuối năm 2019, vùng lãi suất này đã thấp hơn 0,75-1%/năm ở kỳ hạn dưới 6 tháng và thấp hơn từ 1-2%/năm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Mức lãi suất niêm yết cao nhất hiện nay trong hệ thống ngân hàng là 9,2%/năm với tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tại SHB, tiếp sau đó là mức 8,5%/năm và 8,4%/năm lần lượt áp dụng tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cho kỳ hạn 13 tháng và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) kỳ hạn 24 tháng. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất vượt trội này, các khách hàng cá nhân phải thỏa mãn điều kiện về số tiền gửi giá trị trên 500 tỷ đồng.
Có thể thấy, từ chỗ chạy đua huy động đẩy lãi suất lên sát mức 9%/năm, thậm chí có ngân hàng đã tung ra sản phẩm tiền gửi lãi suất lên đến hơn 10%/năm, thì nay tìm “đỏ mắt” mới kiếm được mức lãi suất huy động 7%/năm cho các khoản gửi thông thường. Đây được đánh giá là đợt giảm lãi suất mạnh nhất từ cuối năm 2019 đến nay.
Theo giới chuyên gia, bên cạnh sự tác động giảm của các lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi giảm mạnh chủ yếu là do đầu ra tín dụng yếu.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/6/2020 là 3,26% so với cuối 2019, trong khi hạn mức tín dụng đề ra từ đầu năm là từ 13-14%/năm. Dù có tăng tốc trong tháng 6 (tăng 1,28% so với tháng 5) nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện vẫn ở mức rất thấp so với mức 7,36% của 6 tháng năm 2019.
“Tình trạng chung lúc này của các ngân hàng là đang dư tiền vì huy động nhiều mà chưa cho vay được, thậm chí nhiều gói ưu đãi đã triển khai mà vẫn khó giải ngân do nhu cầu vốn của khách hàng sau dịch COVID-19 vẫn rất thấp”, một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.
Dự báo về xu hướng lãi suất từ nay tới cuối năm, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, sau đợt giảm này, nhiều khả năng lãi suất tiền gửi sẽ đi ngang bởi mức giảm lãi suất huy động từ 1-2%/năm đã gần bằng với mức giảm lãi suất cho vay; triển vọng tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện do các hoạt động kinh tế, giao thương đang dần hồi phục và giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh; đồng thời việc điều chỉnh lãi suất sẽ còn cân đối với yếu tố tỷ giá và lạm phát.
Trong khi đó, báo cáo cập nhật nhanh từ SSI cho biết, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp hiện cao hơn từ 0,8-1,7%/năm so với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất. Do đó “trái phiếu doanh nghiệp đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư; trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi”, SSI nhận định.
Nếu loại trừ số trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng đang nắm giữ tại thời điểm ngày 31/3/2020, lượng trái phiếu doanh nghiệp do các tổ chức phi tín dụng, cá nhân nắm giữ là khoảng 385.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng tiền gửi toàn hệ thống và gần bằng quy mô tiền gửi của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) – ngân hàng có thị phần huy động xếp ngay sau Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).
Theo số liệu tổng hợp từ SSI, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm đến nay ước tính ở mức 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019. Nửa đầu năm qua, nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên sơ cấp – tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019.
Hiện tại, chưa có một đơn vị trung gian độc lập định hạng các trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, việc tự đánh giá các trái phiếu đôi khi vượt quá khả năng của các nhà đầu tư cá nhân.
“Có một thực tế là việc nhiều nhà đầu tư không có khả năng để phân tích tài chính hoặc đầu tư vì nhìn thấy lợi nhuận cao đã mang lại những rủi ro lớn. Những rủi ro này không chỉ có ở Việt Nam mà những rủi ro này có ở tất cả các nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu”, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Lý giải điều này, chuyên gia cho biết, việc giảm thiểu sự lệ thuộc của nền kinh tế vào vốn vay ngân hàng luôn được xem là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp song hành với những rủi ro như một số doanh nghiệp phát hành sử dụng vốn sai mục đích hoặc nợ quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ, dẫn đến ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra khuyến nghị đối với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp rằng: “Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu doanh nghiệp. Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn”.