Theo báo cáo của MB Securities, lượng tín phiếu cuối cùng phát hành từ quý 1 đã đáo hạn và trong khi không có giao dịch mới đã giúp hệ thống ngân hàng được NHNN bơm thêm 27,000 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 6. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm ở mức thấp kỷ lục do lượng thanh khoản dư thừa này.
Nửa đầu tháng 6, lượng tín phiếu phát hành từ tháng 3 với kỳ hạn 91 ngày tiếp tục đáo hạn trong khi không phát sinh giao dịch nào mới khiến NHNN bơm ròng 27,000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, NHNN đã trả lại hệ thống toàn bộ số tiền đã hút ròng từ đầu năm để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường tài chính.
Với một lượng thanh khoản lớn được bơm vào trong khi hoạt động giải ngân lại đang gặp khó khăn, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp kỷ lục. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm có lúc chỉ ở mức 0.175%/năm đã kết thúc kỳ tăng nhẹ 5 điểm cơ bản từ cuối tháng 5, từ 0.3%/năm lên 0.35%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 1-2 tuần giảm khoảng 10 điểm cơ bản so với cuối tháng trước. Khi hệ thống không còn được bơm thanh khoản nhờ tín phiếu đáo hạn và nếu các ngân hàng không thực hiện giao dịch trên thị trường mở, lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.
Tỷ lệ TPCP trúng thầu đạt 88% tiếp tục tăng so với số tháng trước là 75%. Trong kỳ có 13,250 tỷ đồng trái phiếu được KBNN huy động trên tổng số 15,000 tỷ đồng được chào bán. Trong đó, 10,850 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm được phát hành, chiếm 82% tổng lượng trái phiếu. Ngược lại, kỳ hạn 30 năm lại không huy động được trái phiếu nào trong số 500 tỷ đồng chào bán. Do lãi suất trên thị trường thứ cấp trong thời gian gần đây liên tục giảm, trái phiếu kỳ hạn 2 năm cũng có lợi suất trúng thầu giảm hơn 20 điểm cơ bản so với trong tháng 5.
Ngoài kỳ hạn 2 năm, lợi suất trúng thầu gần nhất các kỳ hạn còn lại đều tăng. Lợi suất kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 3.01%/năm và 3.15%/năm, tăng nhẹ 11 và 8 điểm cơ bản so với lợi suất trúng thầu trong tháng 5. Sau 2 tháng liên tục tăng, lợi suất trúng thầu TPCP đã gần đạt được kỳ vọng của các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho KBNN huy động vốn trong bối cảnh ngân sách năm nay gặp khó khăn do Covid-19.
Lợi suất TPCP thứ cấp đồng loạt giảm trên tất cả các kỳ hạn, đặc biệt là ở các kỳ hạn ngắn. So với cuối tháng 5, lợi suất kỳ hạn 2 năm giảm 48 điểm cơ bản từ 1.49%/năm về 1.01%/năm trong khi lãi suất kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ 11 điểm cơ bản từ 3.19%/năm về mức 3.08%/năm, tương đương mức cuối tháng 4.
Giao dịch TPCP trên thị trường thứ cấp sau một tháng có phần khởi sắc lại kém sôi nổi trong nửa đầu tháng 6 khi khối lượng giao dịch bình quân ngày chỉ đạt 7.4 nghìn tỷ đồng, giảm 20% so với tháng trước. Giao dịch thông thường (outright) chiếm 66% khối lượng trong kỳ với 53.2 nghìn tỷ đồng. Bình quân giao dịch 4.8 nghìn tỷ đồng/ngày, giảm 22% so với bình quân tháng trước. Khối lượng giao dịch repo bình quân tiếp tục giảm 16% so với tháng trước, chỉ đạt 2.5 nghìn tỷ đồng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017. Trong tháng 5, khối ngoại tiếp tục xu hướng mua ròng 2,048 tỷ đồng TPCP qua giao dịch outright. Tính từ đầu năm, NĐTNN đã mua ròng 2,210 tỷ đồng TPCP và mua ròng 4,980 tỷ đồng trong 12 tháng gần nhất.
Khang Di