Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục có diễn biến hạ nhiệt trong tuần vừa qua sau khoảng thời gian lượng lớn tín phiếu đáo hạn nhưng khó có thể giảm sâu hơn khi Ngân hàng Nhà nước quay trở lại hút ròng mạnh.
Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI nhận định trong 2 tháng qua, lượng tiền các ngân hàng thương mại bơm mới vào nền kinh tế hạn chế dựa trên số liệu tăng trưởng tín dụng đến 15/8 chỉ đạt 9,62%, không thay đổi đáng kể so với số liệu cuối tháng 6 và tháng 7. Yếu tố này giúp thanh khoản trong hệ thống ngân hàng ở trạng thái dồi dào trong nhiều tháng qua.
Tuy nhiên, yếu tố hỗ trợ từ thanh khoản trong hệ thống có thể không còn quá dồi dào khi nhu cầu về tiền mặt trước kỳ nghỉ lễ dài thường tăng đột biến.
Do đó, với lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần này lên đến 71.000 tỷ đồng, công ty chứng khoán này kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phát hành tín phiếu và bán USD nhằm có thể điều tiết lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý, nhất là khi đồng USD đang có xu hướng mạnh lên trước thềm Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole (hội nghị thường niên của các Ngân hàng Trung ương, Bộ trưởng Tài chính và các thành viên thị trường tài chính).
Theo đánh giá của BVSC, việc Fed vẫn trong quá trình tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, cụ thể là dự báo cơ quan này sẽ nâng lãi suất thêm 0,5-0,75% vào tháng 9 tới sẽ khiến lãi suất của Việt Nam cũng chịu áp lực tăng. Ngoài ra, nhu cầu vốn cho đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh cũng là yếu tố tạo áp lực lên lãi suất tại Việt Nam.
Trong báo cáo cập nhật về thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần vừa qua (15/8-19/8), bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đã có diễn biến giảm mạnh, lần lượt ở mức 0,87%, 0,8% và 0,33% xuống còn 2,43%, 2,68% và 2,78%/năm.
Theo nhóm phân tích của công ty chứng khoán này, qua cả hai kênh thị trường mở (OMO) và tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng hơn 88.000 tỷ đồng trong tuần vừa qua, mức cao nhất theo tuần từ năm 2019 tới nay.
Trong báo cáo nghiên cứu về ngành ngân hàng vừa được phát hành, nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset chỉ ra chỉ số thanh khoản bình quân của các ngân hàng niêm yết đang suy giảm trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, dù sau 6 tháng kênh ngân hàng hút ròng thêm hơn nửa triệu tỷ đồng bao gồm 320.000 tỷ đồng của người dân nhưng tăng trưởng huy động tiền gửi của toàn ngành chỉ đạt 4,5% so với hồi đầu năm nay. Ở chiều ngược lại, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 9,4%.
Đáng chú ý, trong tháng 7, tiền gửi còn bị rút ròng khiến mức tăng trưởng huy động của toàn ngành ngân hàng giảm còn 4,2% so với hồi đầu năm, theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Trong khi đó, việc nhiều ngân hàng đã chạm mức trần tín dụng (room) được cấp khiến tốc độ giải ngân vốn chưa có nhiều cải thiện. Đến hết tháng 7, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng vẫn là 9,4%.
Tổng Hợp