Với việc liên tục nhận được sự hỗ trợ, thanh khoản hệ thống bớt căng thẳng. Biểu hiện rõ nhất ở chỗ, lãi suất VND giảm qua tất cả các phiên đối với các kỳ hạn ngắn.
Tuần trước, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 26.471 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng mạnh lên 69.737 tỷ đồng và không còn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành trên thị trường.
Ghi nhận trên giao dịch nghiệp vụ thị trường mở tuần trước (từ 12-16/12), Ngân hàng Nhà nước chào thầu 28.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6% và 12.000 tỷ đồng kỳ hạn 91 ngày với phương thức đấu thầu lãi suất. Theo đó, có 32.132 tỷ đồng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn, trong khi có 45.660 tỷ đồng đáo hạn.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu, nhưng có gần 40.000 tỷ đồng đáo hạn.
Theo giới phân tích, diễn biến bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ gây áp lực lên thị trường ngoại tệ. Lãi suất liên ngân hàng USD tăng mạnh ở các kỳ hạn và đang dừng ở mức: qua đêm 4,21% (tăng 0,31 điểm phần trăm); 1 tuần 4,33% (tăng 0,25 điểm phần trăm); 2 tuần 4,43% (tăng 0,21 điểm phần trăm) và 1 tháng 4,6% (tăng 0,16 điểm phần trăm).
Tương tự, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng cũng chốt tuần tại 23.600 VND, tương đương tăng 50 VND so với cuối tuần trước.
Đáng chú ý, mặc dù tỷ giá nhích tăng trở lại nhưng Ngân hàng Nhà nước lại có động thái mới. Đó là việc tiếp tục giảm giá bán USD từ mức 24.830 VND xuống 24.780 VND, đồng thời niêm yết lại giá mua USD sau 3 tháng gián đoạn.
Theo đánh giá ban đầu của giới phân tích thị trường, các hành động của nhà điều hành tiền tệ cho thấy, cơ quan này tin tưởng vào chuỗi ổn định của tỷ giá USD/VND với các nguồn ngoại tệ mới đang liên tiếp được bổ sung .
Mặt khác, một số chuyên gia nhìn nhận, tỷ giá ở vùng hiện tại đã là “phù hợp” và Ngân hàng Nhà nước không muốn tỷ giá tiếp tục giảm thêm nên chặn “sàn” tại mức này, cũng là mức ổn định được duy trì bình quân trong vòng 5 năm qua.
Hơn thế, trước đó thanh khoản hệ thống ngân hàng đã căng thẳng và đẩy lãi suất thị trường 1 lên khá cao. Muốn giải quyết vấn đề này, bên cạnh bơm tiền hỗ trợ trên thị trường mở thì việc chào mua ngoại tệ cũng là cách để giải bài toán thanh khoản.
Trong báo cáo vĩ mô mới đây của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, thị trường ngoại tệ tại Việt Nam đang có diễn biến khá thuận lợi trong thời gian gần đây. Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại từ đầu năm tới 15/12 tăng 710 VND, đạt 23.630 – 23.650VND/USD, tương ứng VND giảm giá khoảng 3,09% kể từ đầu năm so với đồng USD. Theo đó, mức giảm giá VND so với USD là tương đối thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, tính đến nay, đã có 16 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5 – 3%/năm.
Theo đó, BIDV giảm lãi suất giảm 0,5%- 2,5%/năm cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên; khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu; khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, khách hàng cá nhân…
Agribank giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng VND tại thời điểm 30/11. Với dư nợ phát sinh từ 1/12- 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.
Vietcombank giảm lãi suất tới 1% một năm đối với các khoản vay VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu, từ 1/11 đến hết 31/12/2022. Tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 175.000 khách hàng với quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu.
ACB giảm 1%/năm lãi vay cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp đang có khoản vay và có giao dịch chính tại ACB từ 6/12/2022 đến 31/1/2023.
Eximbank giảm lãi suất giảm 1%/năm cho doanh nghiệp SMEs, vay ngắn hạn bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; lĩnh vực kinh doanh: ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, sản xuât kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu; cá nhân; hội kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân vay ngắn hạn, trung dài hạn bổ sung phục vụ sản xuất kinh doanh. Lĩnh vực kinh doanh: hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Techcombank giảm lãi suất 0,25% – 1,92%/năm cho khách hàng cá nhân sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ giảm 0,3-1,8%; có khoản vay lớn giảm 0,25-1,5%, hộ kinh doanh giảm 0,64-1,84%; Doanh nghiệp lớn: giảm bình quân 0,82%/năm; Doanh nghiệp giảm 1,92%/năm.
MB có những gói ưu đãi riêng, giảm từ 0,5 – 1%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, xuất nhập khẩu….
HDBank cam kết giảm 120 tỷ đồng với mức lãi suất giảm lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau từ 01/11 đến 31/12/2022.
VIB áp dụng chương trình giảm lãi suất đến 1,5%/năm cho khách hàng trong thời gian từ 10/10/2022-30/06/2023 cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ (MSME) vay kinh doanh tại VIB.
SHB đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5-2%/nămcho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Theo đó, SHB ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh… Các doanh nghiệp đang cần vốn để gấp rút sản xuất các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm của người dân cũng được ngân hàng triển khai hỗ trợ.
Vào thời điểm những tháng cuối năm, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp thường tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tiền của doanh nghiệp rất hạn hẹp vì khó có thể huy động được vốn từ phát hành trái phiếu, thậm chí còn phải mua trái phiếu trước hạn. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Tổng Hợp
(VnE, TBKTGS)