Từ tháng 12/2021, giai đoạn cao điểm thanh toán và tín dụng cuối năm, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng có chiều hướng tăng, và xu hướng này tiếp tục kéo dài sang năm 2022.
Dữ liệu phân tích thị trường trong tuần thứ 2 năm 2022 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, trong tuần, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng tổng cộng 10.538 tỷ đồng (kỳ hạn 14 ngày, tại mức lãi suất 2,5%) thông qua hoạt động thị trường mở. Đây là lượng vốn đáo hạn do NHNN bơm ròng trong tuần cuối cùng của năm 2021. Như vậy, lượng vốn đang lưu hành trên thị trường mở quay trở lại mức 0. Trong khi đó, lượng tín phiếu đang lưu hành tiếp tục đóng băng trong khoảng 1,5 năm trở lại đây.
Sau động thái bơm ròng vốn của NHNN trên thị trường mở cuối năm 2021, lãi suất vay mượn vốn giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng bất ngờ giảm mạnh. Các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần có mức giảm lần lượt là 0,19%, 0,19% và 0,27%, xuống còn lần lượt 0,98%, 1,37% và 1,64%/năm.
Chuyên gia của BVSC đánh giá: “Yếu tố mùa vụ trong dịp mua sắm và thanh toán sát kỳ nghỉ Tết nguyên đán là nguyên nhân chính khiến cho lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn có diễn biến tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Việc NHNN bơm ròng qua hoạt động thị trường mở đã phần nào hỗ trợ cho thanh khoản thị trường”. Bộ phận phân tích của các công ty chứng khoán đồng loạt dự báo, năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 0,2 – 0,25 điểm %/năm tại các ngân hàng lớn.
Hiện, một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi nhằm gia tăng huy động cuối năm trong bối cảnh cầu vốn dần phục hồi. Tháng cuối năm 2021, nhu cầu tín dụng và hoạt động giải ngân tăng vọt trong bối cảnh chính sách nới lỏng tiền tệ được tiếp tục giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến 22/12/2021, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,68% so với cuối năm 2020. Dư nợ tín dụng toàn thị trường đạt trên 10,35 triệu tỷ đồng và cao hơn 2,58% trong chưa đầy một tháng, kể từ ngày 25/11/2021 (10,12 triệu tỷ đồng). Tháng cuối năm, các ngân hàng thương mại đã bơm ròng ra thị trường hơn 237.000 tỷ đồng, tương đương gần 8.800 tỷ đồng/ngày.
Trước thềm Tết Nguyên đán, một số nhà băng quy mô nhỏ tăng lãi suất huy động lên trên 7%/năm (tăng 0,1-0,5 điểm %/năm so với tháng trước), thậm chí có ngân hàng nhân đôi lãi suất tiết kiệm trong tháng đầu tiên.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) áp dụng lãi suất 7,4% cho kỳ hạn 16 tháng, 24 tháng và 36 tháng đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến. Lãi suất ngân hàng cao nhất kỳ hạn 12 tháng cũng là Nam A Bank với mức 7,2%. Mức lãi suất này cao hơn khoảng 1% so với mức trung bình trước đó của các khoản tiền gửi.
Ngân hàng Thương mại Sài Gòn (SCB) áp dụng lãi suất 7-7,1%/năm với một số kỳ hạn huy động, lãi suất tiết kiệm trực tuyến lên tới 7,35%/năm. Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), biểu lãi suất huy động áp dụng với chứng chỉ tiền gửi dao động 7,0 – 7,2%/năm.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) áp dụng lãi suất 11,6%/năm đối với tháng gửi đầu tiên trong kỳ hạn 15 tháng, cao hơn mức cũ 1 điểm %/năm. Sau 1 tháng, lãi suất tiết kiệm sẽ còn 5,8%/năm. Ngoài ưu đãi lãi suất, các ngân hàng còn tổ chức bốc thăm trúng thưởng, tặng vàng, quà Tết, cộng lãi suất, tặng tài khoản số đẹp.
Sau thời gian dài lãi suất huy động giữ ổn định ở mức thấp, khoảng 1 tháng trở lại đây, lãi suất rục rịch tăng, đặc biệt ở nhóm ngân hàng nhỏ và vừa. Ngân hàng chạy đua thanh khoản, huy động cuối năm trong bối cảnh cầu vốn dần phục hồi, nhưng kênh tiền gửi ngân hàng kém hấp dẫn, tổng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng gần như đi ngang trong năm qua.
Tổng Hợp