Lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn được điều chỉnh giảm 10 – 30 điểm cơ bản ở các NHTM lớn.
Số liệu từ Ngân hàng nhà nước cho thấy tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 8 đạt 7,4% so với cuối năm 2020, tương đương với mức 14,6% so với cùng kỳ. SSI nhận định, mặc dù tín dụng vẫn duy trì đà hồi phục kể từ tháng 4/2020, tăng trưởng trong tháng 8 có phần chậm lại dưới ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội.
Trên thực tế, trong 2 tháng 7 và 8, tổng giá trị tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 88 nghìn tỷ, chủ yếu vào giai đoạn cuối tháng 8 và thấp hơn nhiều so với mức tăng thêm 600 nghìn tỷ trong 6 tháng đầu năm. Trong tuần qua, lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn được điều chỉnh giảm 10 – 30 điểm cơ bản ở các NHTM lớn (MB, ACB và Techcombank). Mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, dao động ở 2,7 – 4,0%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 – 5,0%/năm cho kỳ hạn 6 – 12 tháng và 4,6 – 6,5%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Tính đến hết tháng 7, tổng tiền gửi chỉ tăng 4,0% so với cùng kỳ (thấp hơn so với mức tăng 4,35% trong năm 2020) và chênh lệch tiền gửi – tín dụng tiếp tục thu hẹp. Mức chênh lệch này chưa thực sự tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống khi vẫn cao hơn so với giai đoạn trước Covid, do vậy SSI kỳ vọng lãi suất huy động vẫn tiếp tục đi ngang, thậm chí có thể giảm trong trường hợp NHNN cần phải có các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần qua (6-10/9), Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, các hoạt động thị trường mở không phát sinh giao dịch mới trong tuần qua. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tuần qua giảm nhẹ khoảng 2 điểm cơ bản, kết tuần ở 0,70% cho kỳ hạn qua đêm và 0,84% cho kỳ hạn 1 tuần.
Bước sang tháng 9, lãi suất huy động tại một số kỳ hạn của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục được điều chỉnh giảm, với mức giảm phổ biến từ 0,2-0,5 điểm %/năm so với biểu lãi suất đầu tháng 8. Đơn cử, Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Tiên Phong (TPBank) giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng thêm 0,1 điểm % xuống còn 5,3%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,5%, từ 6,2%/năm xuống còn 5,7%/năm; kỳ hạn 18 và 36 tháng giảm 0,3%, xuống còn 6%/năm. Đối với gửi tiết kiệm trực tuyến, TPBank cũng điều chỉnh giảm ở một số kỳ hạn, mức giảm nhiều nhất tới 0,75%/năm so với hồi đầu tháng 8.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng giảm từ 6,1% xuống còn 5,8%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,4% xuống 4,5%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,2%, còn 3%/năm; kỳ hạn 1 tháng giảm 0,3%, còn 2,9%/năm. Cùng xu hướng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng tiến hành hạ lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn, với mức giảm 0,1 điểm % so với đầu tháng trước. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1-12 tháng tại ACB dao động từ 3,3-5,9%/năm.
Ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, hai ngân hàng Agribank và BIDV cũng tiến hành giảm 0,1% lãi suất huy động tại các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng, từ 5,6%/năm xuống còn 5,5%/năm. Trong khi đó, Vietcombank, VietinBank vẫn tiếp tục duy trì biểu lãi suất đã áp dụng trước đó.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng vì thế cũng thấp kỷ lục trong gần 10 năm qua. Lãnh đạo một số ngân hàng cho hay, không chỉ mặt bằng lãi suất huy động thấp mà việc cho vay vốn cũng không dễ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều ngân hàng chịu sức ép phải giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nên không thể duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn như trước. Lãi suất tiền gửi ngân hàng ở vùng thấp được cho là một phần nguyên nhân khiến dòng tiền chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn như chứng khoán, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
Theo Ngân hàng Nhà nước, nửa đầu năm nay, người dân đã gửi ròng thêm khoảng 151.200 tỷ đồng vào các ngân hàng. Còn tiền gửi của nhóm khách hàng tổ chức, doanh nghiệp là gần 233.200 tỷ đồng. Tuy vậy, tính từ tháng 7/2020 đến cuối tháng 6/2021, so với cùng kỳ gần 10 lại đây, đây là mức tăng trưởng thấp nhất. Trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng ròng tiền gửi của dân cư vào các ngân hàng đạt khoảng 330.000 tỷ đồng/nửa đầu năm.
Các chuyên gia nhận định, lãi suất tiền gửi quá thấp sẽ xảy ra hiện tượng người dân rút tiền gửi khỏi ngân hàng, chuyển sang các kênh đầu tư khác, gây ra những bất ổn đối với nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng có thể bị đặt trong tình trạng thiếu thanh khoản, dẫn đến thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, khách hàng đứng trước thực tế phải cạnh tranh để được vay vốn. Điều này khiến cho lãi suất cho vay bị đẩy lên, nếu không thì chi phí không chính thức vay vốn cũng tăng lên, chứ không thể giữ thấp được. Như vậy, mục đích giữ lãi suất cho vay thấp sẽ không thành.
Tĩnh Kiên