Tại báo cáo thị trường tiền tệ tuần 14-18/2, SSI Research nhận định lãi suất huy động có thể đã chạm đáy và sẽ bắt đầu nhích tăng trong nửa cuối năm 2022 với triển vọng nền kinh tế mở cửa hoàn toàn trong giai đoạn tới, nhu cầu tín dụng tăng mạnh và áp lực lạm phát tăng dần.
SSI cho rằng, trong thời gian qua, biểu lãi suất huy động đã được điều chỉnh tăng, đặc biệt dành cho khối khách hàng cá nhân nhằm thu hút lượng tiền gửi dư thừa, trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với huy động tạo áp lực lên hoạt động kinh doanh của các NHTM. Trong tuần trước, thanh khoản hệ thống phần nào được cải thiện khi hoạt động thị trường mở (OMO) được sử dụng với tần suất và khối lượng ít hơn so với các tuần trước đó.
NHNN bơm 522 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Tổng lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần chỉ là 1.100 tỷ đồng và lượng tín phiếu đang lưu hành thông qua kênh OMO duy trì ở mức cao, 14.900 tỷ đồng, chủ yếu đáo hạn vào tuần này. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm nhiệt phần nào, nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước đó.
Kết tuần, lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 2,71% (giảm 0,15%) và kỳ hạn 1 tuần 2,82% (giảm 0,11%). Lãi suất các kỳ hạn dài trên 2 tuần ghi nhận thấp hơn (2 tuần 2,81%, 1 tháng 2,6% và 3 tháng là 2,82%). SSI kỳ vọng diễn biến lãi suất thị trường 2 sẽ sớm hạ nhiệt trong thời gian tới. Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia đồng quan điểm rằng, rủi ro lớn nhất với diễn biến lãi suất năm 2022 là lạm phát và giá dầu, đặc biệt là biến số giá dầu leo thang trước diễn biến căng thẳng địa chính trị của Ukraine.
Thị trường tiền tệ, tài chính thế giới nóng lên từng ngày khi cùng lúc phải đón nhận nhiều thông tin tiêu cực về chỉ số lạm phát, giá dầu và lãi suất. Việt Nam không thể nằm ngoài vòng xoáy khi độ mở thương mại gấp đôi GDP, áp lực lạm phát tăng lên từ cả nội tại nền kinh tế và tác động của giá cả thế giới. Cũng chính vì thế, có nhiều lo ngại xung quanh mục tiêu giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022-2023.
Đánh giá về những thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có những thách thức Việt Nam gặp phải giống như thế giới là vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả thế giới tiếp tục tăng, giá dầu tăng vượt các dự báo, nền kinh tế đang phục hồi. Vì vậy, lạm phát tăng là khó tránh khỏi.
Để kiểm soát lạm phát có 2 phương án cơ bản, một là giảm cầu, 2 là tăng lãi suất. Tuy nhiên, để giảm cầu ở thời điểm hiện tại là không thể và không nên. Vì vậy, phương án tốt nhất là tăng lãi suất. Đây sẽ là chiếc van để kìm hãm lãi suất. Cũng vì vậy mà đặt vấn đề giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm hiện tại ở Việt Nam sẽ đặt chúng ta ở “ngã ba đường”, rất khó để cùng một lúc đạt được cả 2 mục tiêu là giảm lãi suất, giữ lạm phát thấp và tăng trưởng GDP từ 6,5-7%.
Những rủi ro lớn mà chính sách tiền tệ phải đối mặt trong thời gian tới gồm: Nguy cơ lạm phát tăng do nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan; tác động của chính sách thương mại, đầu tư, gia tăng đột biến giá nhiều hàng hóa, thắt chặt tiền tệ của một số quốc gia có nền kinh tế lớn; kinh tế dự kiến phục hồi trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả. Trong nước, thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu tăng trưởng nóng, độ trễ của các gói kích thích kinh tế và độ mở của việc nới lỏng tiền tệ mấy năm vừa qua.
Dù bối cảnh thế giới đang rất nóng nhưng cơ bản các đánh giá về thị trường Việt Nam đa phần là lạc quan và áp lực lạm phát là không quá lớn. Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân 2 năm vừa qua chúng ta không có các gói hỗ trợ lớn và cơ bản là miễn, giảm thuế thay vì đẩy tiền mới vào nền kinh tế.
Tổng Hợp