Trong quý III, ngoại trừ Ngân hàng Aribank không có báo cáo thì 3 thành viên nhóm “Big 4” dẫn đầu lượng tiền gửi của người dân. Lãi suất huy động “chạm đáy” nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng….
Cụ thể, Ngân hàng BIDV giữ vị trí đầu bảng với hơn 1,58 triệu tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 7,5% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn hiện đang chiếm tỷ trọng khoảng 84% với hơn 59.000 tỷ đồng.
Hai thành viên còn lại Vietcombank và VietinBank nắm giữ hai vị trí tiếp theo, với số dư tiền gửi lần lượt đạt hơn 1,35 triệu tỷ đồng và 1,31 triệu tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng cổ phần, Sacombank hút tiền gửi với số dư đạt gần 508.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cuối năm ngoái.
SeABank là ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi khách hàng lên tới 14,4%. Theo đó, đến cuối tháng 9, số dư tiền gửi tại nhà băng này vượt mốc 140.000 tỷ đồng.
HDBank là ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi mạnh tiếp trong quý III với mức tăng 10,4%. Theo đó, trong 9 tháng tiền gửi khách hàng của nhà băng này tăng tới 58% và đạt hơn 341.000 tỷ đồng-mức tăng trưởng cao nhất toàn ngành.
VPBank cũng có tăng trưởng ấn tượng trong quý 3, tiếp nối đà tăng từ các quý trước đó. Tiền gửi của khách hàng tại nhà băng này cuối quý III đạt hơn 421.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cuối quý II và tăng 39% so với đầu năm. Theo VPBank, động lực tăng trưởng nguồn vốn huy động trong năm nay chủ yếu đến từ khối khách hàng cá nhân của ngân hàng mẹ, với mức tăng tới 60% so với đầu năm.
Nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tiền gửi trên 20% trong 9 tháng đầu năm nay như: NamABank (21%), SeABank (22%), VietBank (24,9%). Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng tăng xấp xỉ 20% như SHB (18,2%), BacABank (18,2%).
Vào đầu tháng 11, ngân hàng lại tiếp tục giảm mạnh lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất huy động của ngân hàng “xuống đáy” như cách đây 3 năm.
Sacombank là ngân hàng tiên phong giảm lãi suất huy động trong tháng 11. Đối với tiền gửi kỳ hạn 6 – 11 tháng, Sacombank giảm mạnh 0,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng còn 5%/năm, kỳ hạn 7 tháng là 5,1%/năm, kỳ hạn 8 tháng là 5,2%/năm, kỳ hạn 9 tháng còn 5,3%/năm, kỳ hạn 10 – 11 tháng cùng có lãi suất 5,4%/năm.
Riêng kỳ hạn 12 tháng trở lên, Sacombank điều chỉnh giảm mạnh từ 0,6 – 0,65%/năm còn 5,6%/năm.
Như vậy, tại kỳ hạn 12 tháng, chỉ còn vài ngân hàng huy động lãi suất trên 6%/năm, còn lại tất cả các ngân hàng đều đưa mức lãi suất dưới 6%/năm.
Cụ thể, PVcombank 6,2%/năm; BaoVietbank, Oceanbank 6,1%/năm. Trừ ngân hàng ABBank 4,7%/năm, nhóm ngân hàng quốc doanh đưa lãi suất thấp nhất thị trường. Vietcombank 5,1%/năm; BIDV, Vietinbank 5,3%/năm; Agribank 5,5%/năm.
Thống kê trong 3 tháng gần nhất, số lượng ngân hàng giảm lãi suất huy động đã giảm dần, biên độ và tần suất cũng giảm theo.
Cụ thể, trong tháng 10 có 25 ngân hàng giảm lãi suất huy động, trong đó: 10 ngân hàng điều chỉnh 2 lần và 3 ngân hàng giảm 2 lần. Tháng 9 thị trường ghi nhận tới 33 ngân hàng giảm lãi suất, trong đó: 12 ngân hàng giảm 2 lần, hai ngân hàng giảm 3 lần và một ngân hàng giảm tới 4 lần. Trong tháng 8, có 34 ngân hàng giảm lãi suất huy động, trong đó: 9 ngân hàng 2 lần giảm, 2 ngân hàng giảm 5 lần, riêng Eximbank có tới 6 lần giảm.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý III, số dư nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính đang tiếp tục xu hướng tăng.
Tổng nợ xấu của các ngân hàng tăng 52% so với đầu năm lên hơn 210.000 tỷ đồng. Trong đó, có 19 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng hai chữ số, 6 ngân hàng ghi nhận nợ xấu ba chữ số (tăng bằng lần) so với thời điểm cuối năm trước, không có ngân hàng nào có nợ xấu giảm.
“Ông lớn” Vietcombank, ngân hàng thường nằm trong nhóm có chất lượng tài sản tốt trong ngành cũng có thêm hơn 6.500 tỷ đồng nợ xấu sau ba quý đầu năm, tương đương mức tăng 84%. Trong đó, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng 87,5%; nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) gấp 7,1 lần; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) gấp 7,3 lần con số cuối năm trước trong khi nợ nhóm 5 giảm 14%.
Tuy nợ xấu tăng, Vietcombank cũng tăng mạnh bộ đệm dự phòng rủi ro thêm gần 57% với 38.872 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 270%, giảm so với ngưỡng 385% vào cuối quý II nhưng vẫn ở mức cao so với bình quân ngành.
Trong ba Big4, VietinBank là ngân hàng có mức tăng nợ xấu thấp nhất (20%) với gần 19.000 tỷ đồng trong khi BIDV là ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất với 26.394 tỷ đồng, tăng 50% so với cuối năm trước và là ngân hàng có số dư nợ xấu cao thứ hai trong nhóm khảo sát.
Ở chiều ngược lại, những ngân hàng có mức tăng trưởng nợ xấu thấp nhất là PG Bank (tăng 7%), Saigonbank (tăng 9%), VietABank(tăng 18%) và VPBank (tăng 19%).
Tổng Hợp
(Tiền Phong, VietnamBiz)