Những lần điều chỉnh lãi suất chính sách thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước đã có tác động tích cực đến thị trường. Lãi suất hạ thấp hơn nữa cũng chưa chắc đồng nghĩa với tiền rẻ.
Chúng ta đã chứng kiến tăng trưởng kinh tế quý II tốt hơn quý I và thị trường chứng khoán giao dịch sôi động trở lại so với những tháng đầu năm. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2023 vẫn ở mức thấp, dưới 5%, cho thấy hiệu quả của việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào cầu tín dụng của nền kinh tế thực. Nền kinh tế thực đang đối mặt với nhiều khó khăn dẫn đến hạn chế cầu tín dụng, theo đó, tín dụng tăng trưởng chưa được như mong muốn.
Yếu tố quan trọng ở đây là điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhưng mức lãi suất chưa đủ hấp dẫn đối với khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, dẫn đến cầu tín dụng chưa tăng. Hay nói cách khác, khi doanh nghiệp hoạt động sản xuất – kinh doanh chưa tạo ra được lợi nhuận cao hơn lãi suất đi vay, thì doanh nghiệp vẫn không vay vốn để đầu tư, phục vụ hoạt động. Theo đó, tác động từ chính sách tiền tệ vào tổng cầu chỉ là tác động gián tiếp thông qua cung tín dụng, còn tác động từ chính sách tài khóa và các chính sách kích thích tiêu dùng và kích thích đầu tư tư nhân sẽ tác động trực tiếp thông qua việc thúc đẩy hoạt động trong nền kinh tế. Khi đó, cầu tín dụng có thể tăng theo để hấp thụ nguồn cung tín dụng tăng lên.
Thực tế cho thấy, các biện pháp đã được thực hiện quyết liệt là tăng chi tiêu Chính phủ ở một số hạng mục như tăng chi tiêu đầu tư công khi đưa ra những chỉ đạo rốt ráo nhằm thúc đẩy tiến độ chi tiêu đầu tư công, sau khi quá trình triển khai 6 tháng đầu năm 2023 chưa được như kỳ vọng, dưới mức 30% so với kế hoạch năm. Lĩnh vực này cần được tập trung đẩy mạnh, vì vừa có quy mô lớn và rộng khắp đất nước, vừa tạo ra công ăn việc làm và cầu với hàng hoá, dịch vụ.
Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến giảm thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong đó có giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lệ phí trước bạ cho xe ô tô lắp ráp trong nước, hoãn thuế cho doanh nghiệp hoặc giảm thuế sử dụng đất… là các biện pháp rất tích cực, có tác động đến thúc đẩy tổng cầu.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, thực thi chính sách hiệu quả là điều rất quan trọng nếu nhìn lại giai đoạn 2011 – 2019, nền kinh tế phải bỏ ra đến 6 đồng cho đầu tư mới tạo thêm 1 đồng sản lượng. Theo đó, một đô-la đầu tư của Việt Nam tạo ra tăng trưởng thấp hơn so với Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan ở thời điểm cùng mức thu nhập theo đầu người và cùng trình độ phát triển tương đương.
Còn câu chuyện tiêu dùng tư nhân và đầu tư tư nhân liên quan đến lựa chọn của người có tiền hay của doanh nghiệp, khi gửi tiết kiệm an toàn hơn đầu tư. Trong bối cảnh thị trường đang khó khăn, lãi suất tiền gửi có thể giảm thêm để khuyến khích tăng chi tiêu và tăng đầu tư tư nhân, thúc đẩy cầu nội địa.
Hiện có điểm thuận lợi là tỷ lệ lạm phát đang ở mức vừa phải, trên dưới 3% nên lãi suất thực (chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lạm phát) có thể giảm thêm để thúc đẩy thêm chi tiêu và đầu tư trong nước. Nhưng cũng cần theo dõi phản ứng của thị trường, việc thực hiện chính sách không nên điều chỉnh lớn, mà cần có những động thái từ từ. Nhà điều hành cần có những hành động linh hoạt và hỗ trợ, nhưng không nên quá nới lỏng, bởi có thể gây ra bong bóng về tài sản khi dòng tiền không vào nền kinh tế thực, mà chảy vào các sản phẩm đầu cơ.
Thời gian qua, Chính phủ chủ động trong việc xác định các biện pháp kích cầu trong nước như từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023 thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP. Còn Nghị định 41/2023/NĐ-CP quy định, từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022. Theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ 2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Các khoản vay được hỗ trợ lãi suất đáp ứng các điều kiện vay vốn thông thường, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023.
Gần đây nhất, ngày 5/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 – 2030. Theo đó, một số biện pháp hỗ trợ kinh tế cần được thực hiện như triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là cho hạ tầng chiến lược, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng xanh, hạ tầng xanh, hạ tầng số quốc gia… để tạo tác động lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Xây dựng các quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển các ngành kết cấu hạ tầng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, hiệu quả nhằm duy trì môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định và có thể dự đoán trước. Tập trung khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuế, đầu tư, thương mại, môi trường, quản lý thị trường…, nhằm giải phóng các nguồn lực cho phát triển, đảm bảo hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế và cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi.
Tôi cho rằng, đó là các trọng tâm chính xác, bởi thời gian vừa qua, trở lực tăng trưởng kinh tế đến từ sự sụt giảm của xuất nhập khẩu và triển vọng phục hồi tương đối khó khăn. Điều này dẫn đến động lực tăng trưởng những tháng cuối năm 2023 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào cầu trong nước, bao gồm chi tiêu Chính phủ, chi tiêu và đầu tư tư nhân. Do vậy, hiệu quả thực hiện các chính sách kích cầu sẽ quyết định mức tăng trưởng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á
Tổng Hợp
(ĐTCK)