Sau động thái hạ lãi suất điều hành mới nhất của Ngân hàng Nhà nước vào cuối tháng 5, lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng thương mại bắt đầu giảm nhiệt. Và tính đến thời điểm này theo khảo sát thực tế, một số ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất cho vay mua sản phẩm bất động sản.
Ghi nhận trước đó vào tháng 3, Ngân hàng Nhà nước từng có sự điều chỉnh giảm lãi suất điều hành đầu tiên. Đến tháng 4, lãi suất điều hành tiếp tục giảm thêm. Ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước đã sự điều chỉnh lãi suất điều hành lần thứ 3. Đơn cử như Ngân hàng Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay mua bất động sản năm đầu tiên ưu đãi 9,7%. Đến hiện tại, lãi suất năm đầu đã giảm xuống còn 9,4%/năm. Tương tự, mức lãi suất cho vay mua nhà Ngân hàng Techcombank giảm cỏn khoảng 8,5%/năm đầu tiên. Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng ghi nhận mức giảm lãi suất cho vay mua nhà.
Ảnh hưởng của mức lãi suất hạ nhiệt trên thị trường thể hiện rõ nét khi chỉ số thanh khoản tại một số dự án bất động sản đang khởi sắc trở lại. Các doanh nghiệp địa ốc cũng dần tung ra các chiến dịch bán hàng, chạy truyền thông nhộn nhịp trong những tháng gần đây.
So thời điểm đầu năm 2023, con số thanh khoản này cải thiện đáng kể khi thị trường lãi suất giảm, bất động sản được phát triển bởi chủ đầu tư uy tín cùng với lịch thanh toán linh hoạt với ưu đãi hỗ trợ. Với nhiều tín hiệu tích cực, tâm lý của người mua nhà cũng trở nên tự tin giải ngân.
Có thể nói, dòng tiền đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình thị trường giai đoạn này, do lãi suất đã giảm mạnh. Mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 3%/năm so với đỉnh tháng 1 năm nay. Thanh khoản hiện tại rất thấp so với cùng kỳ hai năm trước, do vậy, chỉ cần có thêm dòng tiền vào là có thể tác động đến thị trường.
Không khó để nhận thấy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán có sự xoay chiều giữa các nhóm ngành, từ nhóm ngành nhạy cảm với sự sụt giảm lãi suất như chứng khoán, bất động sản cho đến nhóm ngành có khả năng hồi phục lợi nhuận từ quý III, hoặc quý IV năm nay như thép, thậm chí cả nhóm ngành chưa có tín hiệu hồi phục rõ ràng về lợi nhuận như bán lẻ, thuỷ sản. Các ngành kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý II tốt thu hút được sự chú ý.
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang đi trước diễn biến thực của nền kinh tế, kỳ vọng của các nhà đầu tư về triển vọng phục hồi của nền kinh tế từ nay đến cuối năm đã phản ánh vào giá các cổ phiếu. Nếu như đà phục hồi của nền kinh tế không như dự kiến, nhà đầu tư cần phải thận trọng, còn trong tình huống ngược lại thì rất tốt, tạo đà tăng trưởng không chỉ cho thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm 2023 mà cả năm 2024.
Nhìn lại thị trường trong diễn biến thời gian qua thì đã tăng phiên thứ 8 liên tiếp của VN-Index, tuy nhiên, biên độ tăng điểm có phần hạ nhiệt so với các phiên trước đó. Thêm nữa, thanh khoản cũng có phần sụt giảm nhẹ, thể hiện tâm lý thận trọng của giới đầu tư. Xét về xu hướng, tính tích cực vẫn chiếm ưu thế và chưa có một dấu hiệu đáng chú ý nào thể hiện sự đảo chiều một cách rõ ràng.
Các chuyên gia vẫn kỳ vọng VN-Index tiếp tục tăng điểm để chinh phục ngưỡng kháng cự mạnh 1.190-1.200 điểm. Song ở thời điểm hiện tại, VN-Index đã có 8 phiên liên tiếp tăng điểm, nên xác suất cao sẽ có nhịp điều chỉnh. Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng trong chiều hướng mua mới, hạn chế tối đa việc mua đuổi. Đồng thời, chỉ nên tăng thêm tỉ trọng ở những danh mục đã có lợi nhuận khi thị trường chung có nhịp chỉnh.
Các chuyên gia của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và VN-Index có thể sẽ hướng về vùng kháng cự 1.190-1.200 điểm trong vài phiên tới. Đồng thời, nhóm cổ phiếu bất động sản có thể sẽ dẫn dắt đà tăng của thị trường trong ngắn hạn, nhưng dòng tiền đang suy yếu và đang chủ yếu tập trung ở một vài nhóm cổ phiếu. Độ rộng thị trường không còn quá tích cực như trong giai đoạn trước, khi thị trường đang tăng về gần vùng kháng cự mạnh. Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại.
Tổng Hợp
(Tổ Quốc, Lao Động)