Lãi gộp sa sút đã kéo theo theo lãi sau thuế của nhiều doanh nghiệp thép trượt dốc. Nam Kim, Hòa Phát và Thép Việt Đức đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng, nhưng chỉ có Nam Kim báo cáo biên lãi thuần cải thiện 0,5 điểm %.
Thống kê bên dưới cho thấy biên lợi nhuận thuần của Hòa Phát giảm từ 22,5% quý I năm ngoái xuống còn 18,6% trong quý đầu năm nay, Thép Tiên Lên (Mã: TLH) giảm từ 12,3% còn 4,8%, Pomina (Mã: POM) tụt từ 2,8% còn 1,6%, …
Giải trình của Nam Kim cho biết doanh thu quý I tăng là do công ty đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Sản lượng tăng làm cho chi phí sản xuất bình quân giảm, biên lợi nhuận gộp tăng làm cho lãi ròng tăng.
Thép Việt Ý chuyển từ lãi 13 tỷ đồng thành lỗ 37 tỷ sau một năm. Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen cũng chuyển biến tiêu cực khi lãi sau thuế lao dốc 77% còn 234 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 8 quý trở lại đây.
Ngoài lợi nhuận gộp sa sút, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng thêm lần lượt 279 tỷ và 99 tỷ so với cùng kỳ năm trước cũng là những nguyên nhân quan trọng khiến cho lãi thuần của Hoa Sen đi xuống. Các loại chi phí nói trên tăng mạnh khi Hoa Sen thúc đẩy việc mở rộng hệ thống siêu thị nội thất và vật liệu xây dựng Hoa Sen Home.
Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 31% lên 6.630 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lao dốc tới 62,6% còn 80,5 tỷ đồng.
Giải trình của SMC cho biết sản lượng tiêu thụ quý I năm nay chỉ tăng 7% so với cùng kỳ 2021, nhưng giá thép tăng cao dẫn đến doanh thu tăng 31%. Tuy nhiên, mức tăng của giá thép không đủ bù lại mức tăng nhanh của giá nguyên, nhiên vật liệu sản xuất thép. Kết quả là biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 8,5% trong quý I/2021 xuống còn 2,9% kỳ này.
Tập đoàn Thép Tiến Lên (Mã: TLH) báo cáo doanh thu thuần tăng trưởng gần 84% lên 1.796 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế cũng giảm 28% còn 86,4 tỷ đồng. Giải trình của công ty cho biết giá thành phẩm tăng nên doanh thu cũng đi lên tương ứng. Do giá nguyên vật liệu tăng nhanh hơn giá thành phẩm nên biên lãi gộp và lợi nhuận ròng sa sút.
Thống kê của chúng tôi từ báo cáo tài chính của 9 doanh nghiệp thép lớn trên sàn chứng khoán cho thấy tất cả đều ghi nhận doanh thu quý I/2022 tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thép và sản lượng tiêu thụ cùng đi lên là động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trong quý vừa qua.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép xây dựng toàn ngành trong quý I đạt xấp xỉ 3 triệu tấn, cao hơn 23% so với quý đầu năm 2021. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 460.000 tấn, tăng 55%. Tương tự, tiêu thụ tôn mạ và ống thép đi lên lần lượt 4% và 15%.
Doanh thu bán thép tăng cao nhưng giá vốn hàng bán còn đi lên mạnh hơn, dẫn tới lợi nhuận gộp của nhiều doanh nghiệp đi xuống. Nguyên nhân là vào quý I/2022, các doanh nghiệp thép không còn nguyên liệu tồn kho giá rẻ như năm ngoái.
Một số công ty có lợi nhuận gộp tăng trưởng như Hòa Phát, Nam Kim hay Thép Việt Đức (Mã: VGS). Tuy vậy, chỉ có Nam Kim ghi nhận tăng trưởng biên lãi gộp, các doanh nghiệp còn lại đều có biên lãi gộp suy giảm.
Thép Việt Ý (Mã: VIS) có lãi gộp gần 33 tỷ đồng trong quý I/2021 nhưng sang quý đầu năm nay chỉ còn chưa đầy 16 triệu đồng. Từ ngày 22/4 năm nay, gần 74 triệu cổ phiếu VIS đã bị hủy niêm yết khỏi Sàn Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vì Thép Việt Ý hủy tư cách công ty đại chúng.
Tổng Hợp