Tuy nhiên, kết thúc năm 2022 tỷ giá USD/VND tăng khoảng 3,5% so với cuối năm 2021. Với mức tăng này, mức mất giá của VND so với USD thấp hơn các đồng tiền khác trên thế giới.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế và thị trường ngoại hối Việt Nam 2023, Trung tâm Giải pháp và Giao dịch Shinhan (Shinhan Bank) dự báo năm 2023, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tăng do các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị gia tăng.
Tuy nhiên, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất và nỗi lo lạm phát giảm bớt, tỷ giá USD/VND sẽ dần ổn định và có xu hướng giảm.
Dù vậy, với suy thoái kinh tế toàn cầu, khối lượng giao dịch giảm, rủi ro thị trường bất động sản gia tăng do các quy định chặt chẽ hơn và lãi suất tăng,… tỷ giá USD/VND vẫn có thể tăng.
Các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra những thách thức đối với thị trường ngoại hối Việt Nam như suy thoái kinh tế toàn cầu (tổng cầu giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm), các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt mạnh mẽ, lo ngại nợ xấu do các khoản nợ doanhnghiệp và hộ gia đình tăng, khó khăn về dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản.
Tuy vậy, cùng với thách thức cũng có những cơ hội như Fed giảm tốc độ tăng lãi suất giúp kìm hãm sự mạnh lên của đồng USD, Mỹ dẫn dắt việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, các chính sách của NHNN để hỗ trợ đồng nội địa và môi trường hấp dẫn cho FDI.
Nhận định về động thái điều hành chính sách của NHNN, chuyên gia ước tính rằng Việt Nam đã chi hơn 20% dự trữ ngoại hối để đối phó với sự lên giá của USD gần đây, làm hạn chế việc can thiệp bổ sung.
“NHNN sẽ thận trọng hơn khi bán ngoại tệ trong tương lai và thay vào đó có thể sẽ lựa chọn tăng lãi suất”, báo cáo viết.
Đánh giá về xu hướng của tỷ giá năm 2023, Bộ phận phân tích tại Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng, tỷ giá USD/VND sẽ ổn định hơn trong năm 2023, và nếu có chỉ biến động trong biên độ hẹp 2%.
Cơ sở cho kỳ vọng là nhờ nguồn cung ngoại tệ được dự báo tương đương mức đạt được trong năm 2022, khi hoạt động xuất khẩu bắt đầu chịu nhiều áp lực hơn và kỳ vọng dòng vốn FDI và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam – theo KBSV.
Riêng quý I/2023, bộ phận nghiên cứu đánh giá tỷ giá trong nước sẽ biến động nhẹ quanh 23.500 VND/USD nhờ 4 yếu tố.
Thứ nhất, DXY Index được dự báo biến động quanh 102 điểm và có thể hồi phục nhẹ lên 108 điểm trước khi đảo chiều nhờ việc Fed sẽ kết thúc lộ trình tăng lãi suất vào cuối quý I/2023.
Hai là, nguồn cung ngoại tệ dồi dào trở lại là yếu tố giúp cho NHNN sớm quay trở lại nghiệp vụ mua USD, gia tăng dự trữ ngoại hối.
Cụ thể, theo ước tính của KBSV, NHNN đã mua được 2 tỷ USD trong phiên ngày 11/1/2023 và 13/01/2023 khi tỷ giá trong nước về mức 23.450 VND/USD – mức giá mua USD từ NHNN;
Ba là, FDI đăng kí mới bắt đầu hồi phục từ cuối tháng 11/2022, là tín hiệu tích cực tác động tới dòng tiền FDI thực hiện trong tương lai.
Cuối cùng, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết kiều hối sẽ gia tăng khoảng 10 – 20% trước dịp Tết, giúp cung ngoại tệ ổn định.
Trái ngược với nhận định cho rằng VND tiếp tục mất giá so với USD trong năm 2023, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặc dù tốc độ tăng lãi suất đã bắt đầu chậm lại, nhưng xu hướng tăng lãi suất của các NHTW chưa chấm dứt điển hình là Fed, ECB hay BOE.
Trong đó, ECB thậm chí đã đưa ra thông điệp về lộ trình tăng lãi suất chậm rãi nhưng thời gian tăng kéo dài hơn.
Trong nước, dòng vốn FDI toàn cầu chịu ảnh hưởng tiêu cực trong xu hướng phản toàn cầu hóa. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ vẫn được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xét trên khía cạnh kiều hối, lượng kiều hối dự báo có thể tăng trưởng chậm lại khi kinh tế toàn cầu đi vào giai đoạn khó khăn và các nguồn ngoại hối ngoài đồng USD có giá trị quy đổi giảm khi đồng USD duy trì sức mạnh trong năm 2023.
Do vậy, VND sẽ vẫn còn dư địa giảm giá so với đồng USD, thậm chí với mức dự báo giảm giá khoảng 2%-3% trong năm 2023.
Dưới góc độ nhà điều hành, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ cố gắng duy trì sự ổn định của tỷ giá trong năm 2023, đảm bảo hài hòa cho chính sách xuất khẩu cũng như nhập khẩu.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, kết thúc năm 2022, lượng kiều hối chuyển về chỉ tính riêng trên địa bàn TP.HCM đạt 6,603 tỷ USD (số liệu chính thức), giảm 6,67% so với năm 2021.
“Nguyên nhân chính chủ yếu là do khó khăn kinh tế của một số quốc gia và khu vực kinh tế, xuất phát từ xung đột địa chính trị, giá dầu mỏ tăng cao, lạm phát và suy giảm kinh tế… Tất cả các yếu tố này tác động trực tiếp đến thu nhập, đến tích lũy và tiết kiệm của kiều bào, của người lao động, làm giảm lượng kiều hối chuyển về trong năm”, ông Lệnh nhìn nhận.
Tổng Hợp
(Dân Việt)