Trong nước, lãi suất trong xu hướng giảm rõ ràng và hàng loạt biện pháp tài khóa cho thấy các giải pháp quyết liệt để kích thích nền kinh tế đã được thực thi và dần thẩm thấu. Kỳ vọng ổn định vĩ mô toàn cầu và lãi suất chung…
Những câu chuyện nội tại của thị trường chứng khoán được quan tâm như hệ thống KRX sẽ tạo bước phát triển mới với nhiều sản phẩm và kích thích dòng vốn cá nhân quay lại thị trường trong dài hạn.
Điều kiện giảm T+ và cho bán khống, tăng sở hữu cổ phần nước ngoài sẽ tiếp tục là chất xúc tác phát triển thị trường trong dài hạn tiệm cận thị trường chứng khoán trong khu vực.
Một yếu tố rất quan trọng cần đo đếm để nghĩ về bất cứ sóng tăng nào là dòng tiền. Hiện dòng vốn margin có lãi suất thấp ở các công ty chứng khoán, có nơi miễn lãi tới 7 ngày, có nhiều công ty còn áp dụng các hình thức đòn bẩy lớn, đi kèm với việc miễn phí giao dịch có tác dụng hút dòng tiền từ tiết kiệm quay lại.
Cách thức dòng tiền cố tình kéo lãi có thể thấy rõ qua nhịp kéo 1 – 2 phiên tăng mạnh sau đó tích lũy và luân phiên các nhóm.
Trong phiên giao dịch bùng nổ cuối tuần qua, VN-Index đã vượt MA200 và thống kê có tới hơn 500 mã cổ phiếu vượt MA200. Đây là một chỉ báo khiến nhiều nhà đầu tư an tâm khi trở lại hoặc gia tăng tỷ trọng giải ngân vào thị trường.
Đặc biệt, VN-Index có tuần giao dịch tốt với sự cải thiện về thanh khoản và mặt bằng giá. Sau vài phiên cổ phiếu Midcap, Smallcap “tím ngắt”, đà tăng đã cộng hưởng tới cả các mã trụ cột trong VN30 ở phiên cuối tuần, kéo chỉ số dứt khoát vượt cản. VN-Index đã tiệm cận mốc 1.100 điểm để từng bước thay đổi xu hướng giá trong trung hạn.
Tháng 6 năm nay, thị trường có hứa hẹn một con sóng mới, cơ hội đầu tư được nhận diện ra sao là chủ đề Tiêu điểm “Lọc cơ hội đầu tư tháng 6” mà Báo Đầu tư Chứng khoán cắt nghĩa sâu trong số báo này.
VN-Index trong xu hướng tăng lên ngưỡng 1.100 điểm là điều rất tốt, vận động của chỉ số cũng khả quan hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó. Khi chỉ số vận động ổn định, các nhịp giảm do áp lực chốt lời ngắn hạn đồng thời cũng sẽ kích thích dòng tiền chờ mua theo chiến lược “chỉnh là mua vào”, do đó sẽ tập trung nhiều vào việc “chọn cổ để chơi”, dòng tiền tiếp tục xoay vòng ở các nhóm cổ phiếu.
Nhiều nhà đầu tư kinh nghiệm đánh giá, 2023 là năm tạo nền cho 1 chu kỳ tăng mới của VN-Index trong 2 đến 3 năm tiếp theo, do đó giai đoạn này ở những nhịp điều chỉnh của thị trường họ lại tận dụng cơ hội để tích lũy cổ phiếu.
Khi triển vọng vĩ mô cũng như triển vọng của doanh nghiệp trở nên sáng hơn sẽ thúc đẩy yêu cầu giải ngân của khối nhà đầu tư tổ chức. Đà tăng trưởng của thị trường ngược lại trở thành chất xúc tác cho các kế hoạch huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp để vượt qua khó khăn và hoạt động tích cực trở lại.
Thị trường chứng khoán 2020 – 2022 đã chứng kiến một giai đoạn bùng nổ với hơn 3,64 triệu tài khoản được mở trong 3 năm, lớn hơn 20 năm trước cộng lại. Cùng lúc này, năm 2022, chỉ số giảm hơn 33% – mức giảm lớn thứ hai trong lịch sử.
Trải qua một thời gian “thẩm thấu” cú sốc khi không ít người chứng kiến tài khoản bốc hơi tới 30-40% giá trị, nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng cắt lỗ, tái cấu trúc danh mục, quyết định ở lại với thị trường và đối diện chặng đường đầu tư phía trước.
Sự thay đổi về nhận thức của nhà đầu tư sẽ trở thành động lực mới đối với sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.
Các chuyên gia cho rằng, có 3 động lực phát triển của thị trường trong giai đoạn mới. Thứ nhất, mức GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện đã tăng lên 2.700 USD, riêng Hà Nội và TP.HCM đã đạt 5.000 USD. Khi đến ngưỡng nhất định, nhu cầu đầu tư tài chính sẽ tăng.
Thứ hai, công nghệ đem lại động lực lớn cho ngành dịch vụ tài chính. Chỉ cần phần mềm trên điện thoại, nhà đầu tư có thể tham gia thị trường dễ dàng, tạo động lực kích thích đầu tư.
Thứ ba chính là thay đổi về nhận thức. Nhà đầu tư đang thu thập kiến thức và tiếp cận các phương pháp đầu tư một cách bài bản, nghiêm túc hơn nhằm đạt được mục tiêu tự do tài chính.
Sự sàng lọc của thị trường trong giai đoạn vừa qua đã cho thấy kênh chứng khoán không phải “canh bạc”, thời kỳ cứ mua là thắng đã chấm dứt. Nhà đầu tư có kỳ vọng hợp lý hơn với mức lợi nhuận mà kênh đầu tư chứng khoán mang lại, cũng như xem đây là nguồn thu nhập bổ sung thụ động, bên cạnh nguồn thu nhập chính tới từ công việc.
Tổng Hợp
(ĐTCK)