Tại Việt Nam đến nay dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn còn khá nhiều khoảng trống, đặc biệt là chưa làm rõ quỹ đất cho phát triển ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030 và tầm nhìn xa hơn.
Điều đầu tiên cần làm trong Luật Đất đai sửa đổi là hãy đặt tên riêng cho loại hình đất du lịch, đồng thời chia đất du lịch thành hai nhóm đất du lịch có yếu tố tự nhiên và nhóm đất du lịch nhân tạo, tách nhóm đất dành cho phát triển du lịch ra khỏi nhóm đất thương mại dịch vụ, để cho đất du lịch có một mầu nhận biết trên bản đồ quy hoạch. Phân biệt rõ loại đất du lịch nào được ưu đãi, loại nào không, và loại đất nào có thể được khai thác kết hợp với du lịch?
Cần coi các dự án phát triển bất động sản du lịch có quy mô trên 300ha thuộc loại dự án được ưu đãi đầu tư. Cụ thể là coi dự án là dự án mang tính phát triển kinh tế – xã hội, ngoài lợi ích chủ đầu tư thì dự án còn có ý nghĩa lợi ích xã hội cộng đồng, thuộc diện được Nhà nước thu hồi đất, đồng thời có thêm nhiều ưu đãi khác cần nghiên cứu thêm. Đồng thời, sử dụng phương pháp định giá thặng dư đến đánh giá thẩm định và phê duyệt các dự án trên.
Xây dựng bộ thang đo tiêu chí đánh giá về quy mô của các dự án, loại dự án, loại hình, cấp độ cụ thể… để từ đó có cơ sở cho việc cấp phép hoạt động. Cụ thể là loại đất nào, hạng mục nào buộc phải xin chuyển đổi mục đích sử dụng? Hạng mục nào, đất cho hạng mục nào thì có thời hạn, hạng mục nào được lâu dài…? Phân biệt loại đất du lịch do yếu tố tự nhiên và loại đất du lịch do yếu tố nhân tạo… Từ đó mới phân biệt được đối tượng nào, phần đất nào được ưu đãi, đất nào, hạng mục nào không được ưu đãi.
Mọi ngành nghề đều phải gắn liền với đất đai. Tất cả các nước thực hiện công nghiệp hóa đều đối mặt với quá trình chuyển dịch đất đai theo hướng chuyển đổi sang cho người khác sử dụng để đạt hiệu quả cao hơn và Việt Nam không ngoại lệ. Quá trình chuyển dịch đã tạo ra những chuyển biến đáng kể khi hệ thống giao thông ngày càng cải thiện, nhiều khu đô thị và chung cư cao tầng quy mô lớn, các dự án du lịch quy mô lớn góp phần đáng kể phục vụ tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập quốc gia.
Đất cho phát triển du lịch vẫn nằm ẩn khuất trong nhóm đất chung gọi là “Đất thương mại, dịch vụ”. Trong Điều 10 về phân loại đất trong dự thảo luật quy định đây là loại đất thuộc nhóm đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, có mục đích sử dụng để xây dựng các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thương mại và các công trình khác phục vụ cho kinh doanh, dịch vụ, thương mại… rất chung chung.
Nghĩa là trong bản đồ quy hoạch sử dụng đất của chúng ta sẽ không có một chỉ báo nào xác định đâu là quỹ đất dành cho phát triển du lịch? Từ đó gây khó khăn cho các nhà đầu tư tìm kiếm thông tin về quỹ đất phát triển. Phần lớn các chủ đầu tư phát triển dự án du lịch sẽ phải tự nghiên cứu, tự làm quy hoạch, phát triển dự án …, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề, thủ tục hành chính, gây ra phát sinh rất nhiều rủi ro, thời gian và chi phí.
Phần lớn các dự án du lịch có quy mô lớn, cần quỹ đất rộng, thời hạn đầu tư lâu dài theo kiểu “đầu tư tiền cục, thu về tiền lẻ”. Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa quy định về thu hồi đất, dành sẵn quỹ đất sạch cho các dự án du lịch.
Hơn nữa, các dự án du lịch quy mô lớn thường được phát triển trên những vùng đất mới, cần thay đổi mục đích sử dụng đất, tạo giá trị mới cho đất đai trong tương lai, tạo ra nhiều công ăn việc làm mới, tạo ra giá trị mới cho chủ đầu tư, nhà nước và người dân… Do đó, chúng ta phải coi đó là những dự án vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nói chung, dự án có tính lợi ích cộng đồng, cần được xét các mức ưu đãi đầu tư.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)