Nhìn nhận thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro, nên từ cuối năm 2021. các doanh nghiệp địa ốc đang chật vật, kỳ vọng kênh phát hành trái phiếu không bị siết, nỗi lo đáo hạn trái phiếu…
Ngân hàng Nhà nước vừa nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng, có thể giúp doanh nghiệp bất động sản có thêm nguồn vốn vay, giải quyết trước mắt một phần nhu cầu vốn hiện tại, nhưng đó cũng chỉ là kỳ vọng, bởi chủ trương của ngành ngân hàng là kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.
Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần nhanh chóng hoàn thiện việc sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển thị trường này ngày càng công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảo nợ như là giải pháp tạm thời nhằm hạn chế nguy cơ vỡ nợ trái phiếu, nhưng không nên lạm dụng. Chỉ tạo điều kiện khi doanh nghiệp đạt những yêu cầu nhất định và sự khó khăn tài chính phải xuất phát từ các yếu tố khách quan.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia gợi ý: một là, doanh nghiệp mời công ty tư vấn, công ty kiểm toán rà soát lại tình hình tài chính và mạnh dạn phát hành tiếp trái phiếu để tái cơ cấu nợ; hai là, thanh lý tài sản, thanh lý dự án để trả nợ cho nhà đầu tư.
Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng chặt chẽ hơn, khiến cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư đều tỏ ra dè dặt, chờ đợi xem quy định mới sẽ như thế nào.
Nghị định 153/2020/NĐ-CP phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng do một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để trục lợi (có doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ có giá trị gấp 47 lần vốn chủ sở hữu, lách quy định để bán cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp…), cơ chế giám sát, kiểm tra và xử lý sai phạm chưa chặt chẽ, nên mới gây ra hệ luỵ như vụ việc Tân Hoàng Minh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, hiện tại, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP đã hoàn tất lấy ý kiến đóng góp giai đoạn 2 và đang hoàn thiện để sớm trình Chính phủ ban hành.
“Nghị định 153/2020/NĐ-CP vẫn đang có giá trị pháp lý, doanh nghiệp đủ điều kiện dựa vào đó phát hành phiếu doanh nghiệp bình thường. Bộ Tài chính không có chủ trương siết chặt hoạt động phát hành, mà chỉ tăng cường kiểm tra, giám sát và cảnh báo nhà đầu tư mua bán phải cẩn trọng”, ông Dương nói khi được hỏi về giải pháp huy động vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh rủi ro “vỡ nợ” trái phiếu đang lớn dần.
Thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, trong tháng 7/2022, chỉ có một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 210 tỷ đồng. Sang tháng 8, có hai công ty trong lĩnh vực này phát hành phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng trị giá 1.800 tỷ đồng.
Trước đó, trong quý II/2022, các doanh nghiệp địa ốc có 16 đợt huy động vốn trái phiếu, giá trị gần 8.600 tỷ đồng, giảm 79% so với quý I.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, 745.400 tỷ đồng là giá trị phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn từ nay đến hết năm 2024. Cụ thể, năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỷ đồng, năm 2023 là 271.400 tỷ đồng và năm 2014 là 329.500 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng nhiều nhất là nhóm bất động sản và các tổ chức tín dụng.
Thống kê của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho biết, tổng giá trị trái phiếu bất động sản đáo hạn năm 2023 là 120.400 tỷ đồng, năm 2024 là 121.100 tỷ đồng. Công ty này nhận định, cuối năm 2022 và năm 2023, 2024 sẽ là giai đoạn khó khăn về dòng tiền đối với các doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu đáo hạn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cảnh báo, nếu trái phiếu doanh nghiệp đến hạn mà không trả được nợ sẽ gây thiệt hại cho các chủ thể trên thị trường trái phiếu và làm xáo trộn cân đối vốn của nền kinh tế.
“Hiện tại, nhà đầu tư nắm khư khư tiền trong tay, không dám cho vay; doanh nghiệp cũng không dám phát hành trái phiếu vì lo bị thanh tra, bị huỷ phát hành nếu có sai phạm. Chúng ta buộc phải có phương án, nếu không sẽ làm thị trường tài chính náo loạn”, ông Thịnh nói và nhận xét, nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp có trái phiếu sắp đáo hạn là rất lớn. Các tổ chức tín dụng thường dễ dàng hơn trong huy động trái phiếu để bổ sung nguồn vốn cấp hai, còn các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn nếu như thị trường không thuận lợi.
Tổng Hợp