IPP đã có bước hồi phục mạnh mẽ, sau khi các địa phương nới lỏng các quy định giãn cách xã hội. Thế nhưng, tại TP.HCM vẫn chưa cho thấy sự phục hồi rõ ràng.
Sau 4 tháng giảm liên tiếp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã ghi nhận mức tăng trưởng 5,6%. Đây là tín hiệu đáng khích lệ khi mức nền cùng kỳ năm ngoái tương đối cao. Sự phục hồi diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành, trong đó, chế biến chế tạo tăng 6,4% so với tháng 10. IIP tháng 11 tại TP.HCM vẫn suy giảm 23% so với cùng kỳ, với sản lượng sản phẩm công nghiệp chính như giày dép hay tivi vẫn chỉ tương đương một nửa so với cùng kỳ.
Mặc dù TP.HCM đã nới lỏng khá nhiều các hoạt động dịch vụ không thiết yếu như nhà hàng, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại,… doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của thành phố vẫn giảm tới 41,3% so với cùng kỳ, cho thấy đợt giãn cách kéo dài đã ảnh hưởng mạnh tới tâm lý và thu nhập của người dân. Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, TP.HCM đã công bố kế hoạch phục hồi tổng thể kinh tế. Theo đó, TP.HCM sẽ thay đổi chiến lược, biến nguy thành cơ, biến đau thương thành hành động.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Chương trình phục hồi kinh tế của TPHCM được làm 2 giai đoạn: Trong đó năm 2022 sẽ tập trung khắc phục hệ lụy dịch bệnh, khôi phục sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo việc làm, chăm lo đời sống an sinh xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Sang năm 2023 và giai đoạn tiếp theo, TPHCM sẽ triển khai các giải pháp giải quyết điểm nghẽn, tạo tăng trưởng nhanh và bền vững, phát huy thế mạnh của Thành phố, từng bước hình thành trung tâm tài chính, thương mại mua sắm, đổi mới sáng tạo, chất lượng dịch vụ cao, trung tâm văn hóa của đất nước và Đông Nam Á.
Trong nhiều năm, TP.HCM được coi là địa phương “đầu tàu” của kinh tế Việt Nam, chiếm gần 1/4 GDP cả nước. Thế nhưng, chỉ sau đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vừa qua, kinh tế TP.HCM đã chịu tổn thất rất nặng nề. Theo báo cáo tổng quan kinh tế Việt Nam trong tháng 11, SSI Research nhận định: Hoạt động sản xuất công nghiệp nhanh chóng quay lại trạng thái “bình thường mới” khi các lệnh giãn cách được dỡ bỏ trên toàn quốc. Doanh thu bán lẻ trong tháng 11 tăng 5,2% và các hoạt động dịch vụ khác tăng 12,3% so với tháng trước. Tuy nhiên, mô hình hồi phục đang nghiêng nhiều về hình chữ U trong nhóm ngành bán lẻ và dịch vụ khi tăng trưởng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, TP.HCM đang triển khai 7 nhóm giải pháp lớn. Trong đó có một số nội dung như tái cấu trúc khu công nghiệp, khu chế xuất, khuyến khích doanh nghiệp triển khai áp dụng công nghệ mới, đồng thời, tổ chức thành công diễn đàn kinh tế của TP diễn ra vào tháng 4/2022 với chủ đề về chuyển đổi số.
Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ đẩy mạnh nhóm giải pháp liên quan tới khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo nguồn lực cho thành phố, chỉnh trang đô thị. Đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thông qua chương trình kích cầu đầu tư. Để phục hồi nền kinh tế, lãnh đạo TPHCM kiến nghị Chính phủ quan tâm, dành nhiều nguồn lực hơn cho việc ưu tiên vốn đầu tư công cho một số dự án, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Đây là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, tuy nhiên vừa qua khó khăn, nhiều trường hợp phá sản hoặc không có nhiều tài sản thế chấp vay vốn. Hỗ trợ họ tuy ít nhưng tốc độ họ phục hồi nhanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động”, ông Hoan nhấn mạnh.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)