Quý IV/2021, sau khi quyết định sống thích ứng với Covid-19, kinh tế TP.HCM bắt đầu phục hồi trở lại, ước bằng 88,36% so với cùng kỳ.
TP.HCM đã và đang cùng thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế quốc gia một cách tích cực. Việc ban hành Nghị quyết điều chỉnh 9 luật, trong đó có Luật Doanh nghiệp và gói hỗ trợ 347.000 tỷ đồng, đặc biệt, VAT từ 10% giảm còn 8% hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được Quốc hội thông qua là phù hợp thực trạng hiện tại và xu thế của TP.HCM.
Trong bối cảnh mới, TP.HCM cần phát triển mạnh hơn các dịch vụ online, thương mại điện tử, vừa tận dụng sức mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vừa thích ứng với đại dịch. Nền kinh tế số không chạm đang rất cần cho cả hiện tại và tương lai. Trong năm 2022, TP.HCM cần tập trung đầu tư phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, hành chính công, tập trung phát triển công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, một số khu công nghệ phần mềm, tập trung thêm công nghệ đầu mối mới, tạo ra nhiều chuỗi công nghệ khác mà TP.HCM có tiềm lực.
Riêng gói hỗ trợ tài chính gần 350.000 tỷ đồng là gói lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam. Cần phải có thể chế đặc biệt, văn bản hướng dẫn riêng và một hệ thống đặc thù từ trung ương đến địa phương thì việc giải ngân mới đạt hiệu quả, tạo sức bật cho kinh tế vĩ mô và vi mô phát triển. Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tiếp tục được khai thác. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có giá trị từ ngày 1/1/2022 giúp khơi thông đáng kể dòng dịch chuyển xuất và nhập hàng hóa giữa Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng với các nước trong khối nhất là với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đặc biệt, ngay trong đại dịch, xuất khẩu nông sản năm 2021 vẫn tăng chưa từng có (lần đầu tiên đạt kỳ tích với 46,8 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2020) và tiếp tục được kỳ vọng phát triển mạnh hơn trong giai đoạn 2022-2023. Cùng với đà hồi phục chung, đây là những điều kiện cần khá thuận lợi để TP.HCM có thể trở lại vị trí trước đây của mình, là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Hiện nay, một trong những hạn chế như một nút thắt, là doanh nghiệp và người dân chưa biết nhiều về các hiệp định, sự kiện quan hệ thương mại quốc tế cùng với những lợi ích và điều kiện để hiện thực hóa. Vì vậy, cần lan tỏa sự hiểu biết và các sự kiện này để toàn dân và doanh nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông, chương trình đào tạo hiệp định để giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh, doanh nghiệp cùng hiểu biết và cùng tận dụng được các lợi ích mới. Sau khi phổ biến, đào tạo, cần có cơ chế thực thi hiệp định, hướng dẫn thủ tục, cách thức áp dụng, từ xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm, trách nhiệm xã hội đến vấn đề sở hữu trí tuệ và cả việc nâng cao chất lượng phòng vệ thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc tế.
Năm 2021, do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, TP.HCM gần như là vùng tâm dịch nặng nề nhất cả nước nên chỉ số GRDP của thành phố giảm 6,78% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm kỷ lục từ trước đến nay.
Dù vậy, sang quý IV, khi đạt được độ phủ vaccine cao cho người dân, TP.HCM chuyển sang giai đoạn sống thích ứng với Covid-19. Các hoạt động kinh tế – xã hội dần được mở trở lại, khiến tăng trưởng quý cuối cùng của năm 2021 bắt đầu phục hồi trở lại, ước bằng 88,36% so với cùng kỳ.
Bước sang tháng đầu tiên của năm 2022, gần như mọi hoạt động tại TP.HCM đã trở lại bình thường, tiêu chí “vùng xanh” được duy trì 5 tuần liên tiếp. Đây được xem là một trong những điều kiện thuận lợi để TP.HCM có thể sớm phục hồi và tăng trưởng bứt phá trong bối cảnh bình thường mới.
TP.HCM khẳng định khống chế làm chủ tình hình dịch bệnh, cả thành phố toàn vùng xanh theo tiêu chí mới nhất. Chính quyền thành phố cũng tháo gỡ nhiều rào cản cho ngành nghề, lĩnh vực để người dân, người lao động, doanh nghiệp được sinh hoạt và làm việc bình thường. Liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh thành, các quốc gia được mở rộng.
Tổng Hợp