Khi năm 2020 đi qua doanh nghiệp bất động sản nào cũng chênh vênh vì đại dịch. Nhiều kế hoạch, dự án sắp được triển khai theo hoạch định trong năm cũng đều tan tành vì covid.
Kể từ khi nền kinh tế bắt đầu xu hướng phục hồi rõ nét từ quý III/2020, các doanh nghiệp, đặc biệt trong nhóm ngành địa ốc đã bắt đầu tự tin cho những kế hoạch triển khai dự án lớn.
Thị trường bất động sản Việt Nam có chu kỳ 7 năm và năm 2021 thị trường sẽ bước vào chu kỳ tăng cao trong bối cảnh vấn đề pháp lý có dấu hiệu tích cực từ việc sửa đổi Luật Xây dựng năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 và kỳ vọng GDP đạt mức tăng 7,1%.
Xu hướng tăng giá bán sẽ tiếp tục duy trì nhờ nhu cầu nhà ở tăng, đồng thời lãi suất vay mua nhà giảm sẽ hỗ trợ quyết định mua nhà và đó là nền tảng để các doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh cao hơn trong năm nay.
Tại báo cáo ngành bất động sản mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tiếp tục duy trì luận điểm cho rằng, ngành bất động sản nằm trong nhóm các ngành hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư khi tầng lớp thu nhập trên trung bình và dân số thành thị gia tăng nhanh.
Các yếu tố dẫn dắt tăng trưởng ngành bất động sản nhà ở vẫn duy trì ổn định, bao gồm cơ sở hạ tầng cải thiện, quy mô hộ gia đình trung bình giảm và tỷ lệ thâm nhập của thị trường cho vay mua nhà thế chấp gia tăng.
Trong đó, những nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi trong các quý sắp tới và cả trong dài hạn sẽ là những doanh nghiệp có lợi thế về mặt quỹ đất cũng như khả năng triển khai dự án trên diện rộng.
Trong bối cảnh này, từng doanh nghiệp sẽ có sự phân hóa rõ ràng dựa trên các yếu tố về quỹ đất, mô hình quản trị cũng như khả năng xoay xở dòng tiền. Cũng cần nói thêm, bằng Thông tư 01/2020/TT-NHNN với quy định cho phép hoãn, giãn, không chuyển nhóm nợ của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã tạm thời “đóng gói” các khoản nợ, giúp doanh nghiệp dễ thở hơn trong việc thu xếp dòng tiền.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong năm 2021, các doanh nghiệp cần phải thực hiện nhiều hơn các giải pháp để ưu tiên cho thanh khoản và đảm bảo khả năng thanh toán nợ, bên cạnh bài toán hồi phục kinh doanh.
Trong báo cáo mới công bố, chuyên gia của FiinPro cho biết, ngành bất động sản dự kiến có mức tăng trưởng khoảng 22,4% trong quý IV/2020 so với quý trước đó. Bước sang năm 2021, cơ sở phát triển thị trường càng được củng cố và sức cầu phân khúc nhà ở trung cấp sẽ tăng mạnh. Ngoài ra, Nghị định 148/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 8/2/2021 sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án đất công xen kẹt, tái khởi động nhiều dự án bị tạm dừng trong thời gian vừa qua.
Nhìn một cách lạc quan, có cơ sở cho tiềm năng tăng trưởng lâu dài của thị trường bất động sản, về cả nhu cầu dân dụng, nhà xưởng cho thuê… Tuy nhiên, từ việc có cơ hội tốt và tận dụng được lợi thế ngành để biến thành kết quả thực sự hay không lại là chuyện khác.