Có hãng cho rằng mình sẽ được hưởng lợi, hãng khác lại nói mình sẽ bị thiệt hại, vậy nên nghe theo bên nào? Kinh nghiệm thế giới cho thấy không có nước nào áp dụng giá sàn vé máy bay nhằm hỗ trợ ngành hàng không.
Trung Quốc đưa ra quy định giá sàn bằng 44% giá trần vào năm 2004 nhưng đã gỡ bỏ vào năm 2013. Ấn Độ áp dụng giá sàn từ tháng 5/2020, đến tháng 3/2021 cũng đã gỡ bỏ. Các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu xưa nay không có sàn giá vé.
Vậy các nước hỗ trợ ngành hàng không bằng cách nào? Câu trả lời là thông qua các chính sách chung, giúp ích cho mọi hãng chứ không phải làm lợi cho hãng này nhưng gây hại cho hãng khác.
PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống – một chuyên gia về hàng không – đã thẳng thừng bác bỏ quan điểm “Indonesia là nước duy nhất trên thế giới có giá sàn và an toàn bay của họ kém hơn Việt Nam. Trung Quốc nhận thấy việc áp dụng giá sàn là sai lầm và đã chấm dứt từ nhiều năm trước. Vậy tại sao Vietnam Airlines lại đề xuất áp tỷ lệ giá sàn 44% mà Trung Quốc đã bỏ đi?”, ông Tống nói.
Bản thân Cục Hàng không cũng nhận định giá sàn sẽ “hạn chế khả năng tiếp cận của một bộ phận hành khách”. PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống thì nói thẳng: “Nếu áp dụng giá sàn, nhiều người sẽ không được đi máy bay”. Cục Hàng không cho rằng “những người dân có thu nhập hạn chế có thể cân đối lựa chọn các hình thức vận chuyển khác” như ô tô hay tàu hỏa.
Xin lưu ý rằng đi máy bay chặng Hà Nội – TP HCM mất khoảng 2 giờ, còn đi tàu mất tới 32 giờ. Trong đại dịch, hàng trăm tàu bay đã phải nằm đất vì lệnh giãn cách. Khi quy định cho phép hoạt động trở lại, nhiều chiếc sẽ phải tiếp tục đắp chiếu vì giá sàn gây ra tình trạng dư cung. Máy bay thì thừa, nhưng Cục Hàng không lại muốn hành khách đi tàu hỏa với thời gian dài gấp 16 lần. Đó chính là những tổn thất vô ích mà giá sàn gây ra cho xã hội.
Nếu một hãng quản lý chi phí hiệu quả, tìm ra bí quyết kinh doanh để giảm giá thành thì hãng đó sẽ nhận được phần thưởng là sự tin dùng của khách hàng, thị phần tăng, doanh thu cải thiện, … Việc áp giá sàn sẽ làm triệt tiêu đi động lực cải tiến đó. Dù chi phí có thấp đến đâu thì giá cũng không được giảm xuống dưới sàn, các hãng không thể chiếm lĩnh thị phần nhờ giá cả cạnh tranh. Dần dà, sẽ không còn những sáng kiến làm tinh gọn bộ máy, những nỗ lực cắt gọt bỏ những lãng phí, những ý tưởng giúp tiết kiệm nguồn lực, và khách hàng sẽ mãi mãi phải trả giá cao.
Cục Hàng không đề xuất áp dụng giá sàn trong 12 tháng từ 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022 để giúp các hãng hồi phục sau đại dịch. Thực tế như nói ở trên, không phải hãng nào cũng đồng tình với việc áp giá sàn.
Tuy giá sàn có thể giúp cho các hãng với chi phí hoạt động cao nhưng sẽ là một đòn giáng mạnh vào những hãng bay giá rẻ cũng như người tiêu dùng. Vietravel Airlines cho biết giá sàn sẽ khiến hành khách lựa chọn hãng có dịch vụ cao cấp hơn, như vậy các hãng giá rẻ sẽ bị thiệt thòi, đặc biệt là với hãng hàng không mới như Vietravel. Tương tự, Vietjet cũng cho rằng giá sàn sẽ làm mất đi lợi thế cạnh tranh và động lực phát triển của ngành hàng không.
Từ trước đến nay, mỗi hãng bay cung cấp một kiểu dịch vụ khác nhau với các mức giá khác nhau để hành khách lựa chọn theo nguyên tắc thị trường, thuận mua vừa bán. Có người sẵn sàng trả giá cao để hưởng thụ các dịch vụ cao cấp, có người tài chính eo hẹp và chỉ cần các tiện ích vừa đủ. Áp giá sàn sẽ làm mất đi lựa chọn của hành khách với thu nhập hạn chế. Trong bối cảnh hàng triệu người mất việc hoặc thiếu việc vì COVID-19, thu nhập bị sa sút nghiêm trọng, thì đề xuất áp giá sàn là một ý tưởng không hợp tình và cũng không hợp lý.
Nếu áp dụng giá sàn trong nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines ước tính doanh thu của hãng sẽ tăng thêm 270 tỷ, doanh thu của Pacific Airlines tăng 338 tỷ. Bamboo không đưa ra con số cụ thể nhưng cũng cho rằng giá sàn sẽ tác động tốt đến hoạt động bán hàng và doanh thu của hãng. Cục Hàng không thì đánh giá việc áp giá sàn sẽ làm giảm nguy cơ phá sản của VNA, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước với tư cách là cổ đông nắm trên 86% vốn điều lệ của VNA.
Cuối tháng 9 vừa qua, Cục Hàng không đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa và ý kiến của các hãng bay. Bamboo Airways, Vietnam Airlines và Pacific Airlines là các hãng ủng hộ áp dụng giá sàn. Cục Hàng không đề xuất giá vé tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa đang được Bộ Giao thông vận tải quy định, Vietnam Airlines kiến nghị nâng tỷ lệ lên tới 44%. Bamboo Airways và Vietnam Airlines (VNA) cũng là hai hãng có chi phí bình quân/ghế cung ứng cao nhất. Pacific Airlines là công ty con của Vietnam Airlines nên đương nhiên có cùng quan điểm với mẹ.
Việc áp giá sàn sẽ không ảnh hưởng hoặc chỉ tác động rất ít tới những hãng có chi phí cao và giá bán cao như VNA và Bamboo. Vì vậy các hãng này không ngần ngại ủng hộ đề xuất. Vietjet Air không có số liệu báo cáo nhưng dựa vào mô hình giá rẻ mà hãng này triển khai nhiều năm qua, có thể suy đoán chi phí của Vietjet sẽ thấp hơn nhiều so với Bamboo và VNA.
Theo công văn của Cục Hàng không, Vietjet và tân binh Vietravel là hai hãng phản đối việc áp giá sàn.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)