Mặc dù nguồn thu từ mảng tín dụng tăng trưởng khá chậm nhưng nhờ thúc đẩy nguồn thu phi tín dụng, cùng với đó là kiểm soát chặt chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (chưa tính dự phòng) của các ngân hàng vẫn tăng trưởng khá tốt trong nửa đầu năm 2020, bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Nửa đầu năm 2020 là khoảng thời gian khó khăn bước đầu với các ngân hàng trong chuỗi thời kỳ ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Tín dụng – mảng kinh doanh chính của các ngân hàng – chịu ảnh hưởng khá rõ rệt.
Thống kê của VietnamFinance đối với 28 ngân hàng thương mại (*) cho thấy nửa đầu năm, mảng tín dụng đem về tổng cộng gần 130.000 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Mức tăng khá thấp này chịu ảnh hưởng từ việc giảm lãi suất, dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm, cùng với đó, các khoản nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN không được ghi nhận lãi dự thu.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng mặc dù mức tăng dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm nay là chậm nhưng quy mô dư nợ tín dụng so với 6 tháng đầu năm ngoái vẫn chênh lệch khá nhiều, do tăng trưởng tín dụng nhanh trong 6 tháng cuối năm ngoái. Vì vậy, tăng trưởng thu nhập lãi thuần vẫn được hỗ trợ bởi chênh lệch này. Nhìn vào tương lai, nếu 6 tháng cuối năm nay tăng trưởng tín dụng vẫn chậm thì tăng trưởng thu nhập lãi thuần cả năm có khả năng sẽ thấp hơn mức tăng trưởng của 6 tháng đầu năm.
Đi sâu vào từng ngân hàng, những cái tên ghi nhận suy giảm thu nhập lãi thuần có thể kể đến: VietBank (giảm 46%), ABBank (giảm 16%), BIDV (giảm 9%), PGBank (giảm 7%), Kienlongbank (giảm 6%), SeABank (giảm 6%), Eximbank (giảm 3%), Saigonbank (giảm 2%), LienVietPostBank (giảm 2%).
Thế nhưng cũng có nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng thu nhập lãi thuần rất cao, lên đến trên 20%, bất chấp ảnh hưởng từ Covid-19, chẳng hạn như: MSB (tăng 68%), SHB (tăng 39%), HDBank (tăng 30%), TPBank (tăng 30%), VietABank (tăng 28%), VIB (tăng 27%), Techcombank (tăng 23%), Viet Capital Bank (tăng 23%), OCB (tăng 22%), Sacombank (tăng 22%).
Riêng ngân hàng SCB tăng tới 446% do mức nền của nửa đầu năm 2019 rất thấp (chỉ gần 265 tỷ đồng dù dư nợ cho vay của ngân hàng lên đến trên 300.000 tỷ đồng).
Khi nguồn thu từ tín dụng chịu ảnh hưởng, nhìn chung các ngân hàng đã cố gắng thúc đẩy nguồn thu phi tín dụng (dịch vụ, ngoại hối, mua bán chứng khoán…) và kết quả khá thành công.
Thống kê đối với 28 ngân hàng thương mại cho thấy nửa đầu năm nay, tổng lãi thuần phi tín dụng đạt tổng cộng trên 42.500 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quan sát cho thấy, tăng trưởng đột biến ở hai mảng mua bán chứng khoán đầu tư và mua bán chứng khoán kinh doanh tạo lực đẩy lớn cho tăng trưởng chung. Nguyên do là các ngân hàng đã tranh thủ chớp cơ hội khi thị trường trái phiếu diễn biến thuận lợi bất ngờ. Tuy nhiên, các khoản lãi này chỉ mang tính tạm thời.
Nhờ tăng trưởng lãi thuần phi tín dụng khá tốt nên kết thúc nửa đầu năm 2020, tổng thu nhập hoạt động (bao gồm cả thu nhập lãi thuần từ mảng tín dụng và lãi thuần phi tín dụng) của 28 ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm 2019, đạt trên 172.000 tỷ đồng.
Kiểm soát chặt chẽ chi phí cũng là điều mà đa số các ngân hàng đã làm để xoay xở trong mùa dịch Covid-19. Số liệu tổng hợp cho thấy chi phí hoạt động nửa đầu năm nay của 28 ngân hàng chỉ tăng 5% so với nửa đầu năm ngoái, ở mức trên 67.200 tỷ đồng.
Thu nhập hoạt động tăng 11% nhưng chi phí hoạt động chỉ tăng 5% đã giúp chênh lệch thu – chi hoạt động, hay lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng trưởng tới 16%, đạt gần 105.000 tỷ đồng.
Mức tăng trưởng lợi nhuận thuần 16% – khá tốt trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực – liệu có phải là tiền đề để các ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng trong nửa đầu năm nhằm đối phó với các rủi ro trong tương lai hay không? Đón đọc phần 2 trên VietnamFinance.
(*) 28 ngân hàng thương mại bao gồm: ABBank, ACB, BacABank, BIDV, Eximbank, HDBank, Kienlongbank, LienVietPostBank, MB, MSB, NamABank, NCB, OCB, PGBank, Sacombank, Saigonbank, SCB, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, VietABank, VietBank, Viet Capital Bank, Vietcombank, VietinBank, VPBank.