Các chuyên gia bất động sản nhận định Thủ Thiêm có vị trí rất quan trọng đối với chiến lược phát triển TP phía đông mà TP.HCM đang xây dựng đề án.
Dự án khu phức hợp thông minh – Thủ Thiêm Eco Smart City với vốn đầu tư 900 triệu USD được kiến nghị tiếp tục đầu tư, dự án quảng trường trung tâm và công viên bờ sông cũng được TP đề nghị triển khai… Đây là những động thái cho thấy Thủ Thiêm đang dần được chuyển mình, có thêm sức sống mới.
Tháo gỡ dự án tỉ USD
Nói đến Thủ Thiêm, giới kinh doanh bất động sản (BĐS) thường nhắc tới dự án có vốn đầu tư ban đầu được tính toán lên đến 2,2 tỉ USD (cách đây khoảng 10 năm): Dự án Thủ Thiêm Eco Smart City. Trong văn bản báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 (ngày 17-7) với Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan, UBND TP.HCM đã có kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho dự án này.
Theo đó, TP kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép nhà đầu tư (Công ty TNHH Lotte Properties HCMC) tiếp tục được đầu tư dự án khu phức hợp thông minh trên. Đây là trường hợp đặc biệt đã được TP tổ chức thực hiện quy trình chỉ định nhà đầu tư và được đa số các bộ, ngành thống nhất chủ trương cho phép tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, dự án không thể tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu. Do đó, TP kiến nghị Bộ TN&MT hướng dẫn TP thực hiện thủ tục giao/thuê đất cho nhà đầu tư không thông qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai.
Trước đó, năm 2009, Tập đoàn Lotte (đại diện cho bảy nhà đầu tư gồm bốn công ty thuộc Tập đoàn Lotte và ba công ty Nhật Bản) đã tiến hành nghiên cứu và trình nộp hồ sơ nghiên cứu đề xuất phát triển dự án trên.
Dự án được quy hoạch để hình thành trung tâm tài chính – ngân hàng, khách sạn, thương mại, dịch vụ, dân cư đa chức năng và công trình giáo dục mang tầm cỡ quốc tế.
Đến năm 2017, TP đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trên tại khu chức năng số 2a trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nhà đầu tư được lựa chọn là liên danh gồm bốn công ty thuộc Tập đoàn Lotte, vốn đầu tư dự án khoảng 900 triệu USD.
Ngoài dự án này, một công trình khác là dự án quảng trường trung tâm và công viên bờ sông, nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh với tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỉ đồng cũng được TP kiến nghị tháo gỡ vướng mắc.
“Do đây là một công trình công cộng có ý nghĩa quan trọng trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị lớn của TP, UBND TP xin ý kiến Thủ tướng chỉ đạo về việc triển khai thực hiện dự án quảng trường trung tâm và công viên bờ sông trong thời gian sắp tới để đảm bảo phù hợp với các quy định có liên quan” – văn bản của TP nêu.
Vai trò đầu tàu của Thủ Thiêm
“Thủ Thiêm có thể trở thành một trung tâm hành chính, tài chính của TP. Chúng ta đều thấy đây là vị trí chiến lược trong tổng thể phát triển TP.HCM nói chung và TP phía đông tương lai nói riêng” – ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) – một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, đánh giá.
Ngoài ra, Thủ Thiêm cũng có thể trở thành một trung tâm du lịch sinh thái nội đô lý tưởng khi bao quanh là sông nước và những vạt rừng vẫn còn hoang sơ. Thủ Thiêm cũng đang thiếu những dự án thấp tầng mang phong cách nghỉ dưỡng ven sông như Thảo Điền và Phú Mỹ Hưng đang sở hữu.
Ông Việt phân tích thêm: “Một khi các vấn đề pháp lý được tháo gỡ thì Thủ Thiêm sẽ thu hút được thêm những nguồn vốn đầu tư mới, trở thành đầu tàu thúc đẩy kinh tế của TP đi lên. Điều này rất khả quan trong bối cảnh Việt Nam đang có một số thuận lợi nhất định khi các quốc gia đang tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Về góc độ thu hút nhà đầu tư, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng TP cần tính toán các hình thức hấp dẫn để kêu gọi nhà đầu tư vào khu vực tiềm năng này.
“Hiện đầu tư theo hình thức BT đã dừng thực hiện nên TP cần nghiên cứu nhiều hình thức để kêu gọi đầu tư hiệu quả. Ngoài ra cũng cần quan tâm đến các chính sách về giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư để họ yên tâm phát triển dự án tại khu đô thị này” – ông Long nói.
Đối với việc đầu tư các dự án theo hình thức BT, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng, trong đó có nhắc tới dự án BT khu nhà tái định cư Nam Rạch Chiếc (phường An Phú, quận 2) gồm 1.844 căn hộ phục vụ tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng, do các công ty Tiến Phước, Trần Thái, Keppel Land (Singapore) liên danh thực hiện.
Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh/TP tiếp tục cho phép thực hiện các dự án BT đã ký kết hợp đồng, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng” – ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nêu trong văn bản.
Theo Luật PPP có hiệu lực từ 1-1-2021, các dự án BT được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng BT với nhà đầu tư trong năm 2020 trở về trước thì vẫn được “tiếp tục thực hiện triển khai, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng”.