Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu vừa kiến nghị loạt giải pháp để nghị quyết này sẽ sớm đi vào cuộc sống, tạo được sự chuyển biến thực chất về mọi mặt cho TP.HCM.
Theo ông Châu, Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/08/2023 với 481/484 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành đạt tỷ lệ 99,38% tổng số đại biểu có mặt, tạo điều kiện cho thành phố phát triển bứt phá trong những năm sắp tới và tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Nghị quyết có nội dung rất toàn diện, bao gồm các lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy với đặc thù “thành phố trong thành phố” hoặc có một số quận, huyện có quy mô dân số gần tương đương một tỉnh nhỏ, mở ra cơ hội và tạo động lực phát triển vượt trội cho TP.HCM.
Tuy nhiên, để Nghị quyết đạt hiệu quả cao nhất và được sự thấu hiểu, ủng hộ, đồng thuận của người dân, HoREA đề xuất 2 giải pháp.
Thứ nhất, Nghị quyết cho phép Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, để có thể nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa một số tuyến đường chính hiện hữu đang bị “thắt cổ chai”, thường xuyên bị ùn tắc giao thông, ví dụ như đoạn Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước.
Nhưng, để tránh xảy ra tình trạng “xung đột lợi ích” giữa nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu với người dân và người sử dụng dịch vụ thì Hiệp hội đề nghị UBND TP.HCM sẽ có các giải pháp để thực hiện yêu cầu của Nghị quyết là “các dự án đầu tư theo hình thức này phải đảm bảo quyền lợi của người dân”
“Hội đồng Nhân dân Thành phố sẽ tổ chức giám sát đảm bảo quyền lợi của người dân. UBND Thành phố thực hiện đầy đủ, công khai minh bạch các thông tin về dự án để thuận lợi cho người dân giám sát”, ông Châu đề xuất.
Thứ hai, Nghị quyết cho phép thành phố được xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất) trong trường hợp Bảng giá đất đã thu thập thông tin thị trường và xây dựng đến từng thửa đất để áp dụng cho trường hợp Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích vượt hạn mức của hộ gia đình, cá nhân; hoặc trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức, cá nhân trừ trường hợp sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Hơn nữa, phạm vi áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất của Nghị quyết đã loại trừ trường hợp sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Vì vậy, trong quá trình góp ý xây dựng Đề án Luật Đất đai (sửa đổi), HoREA đề nghị UBND TP.HCM tiếp tục đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép Thành phố được xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất) theo Báo cáo số 477/BC-UBND ngày 17/02/2022 của UBND TP.HCM.
“Giải pháp này để “công thức hóa” việc tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các dự án có sử dụng đất, vừa đảm bảo không làm thất thu ngân sách nhà nước, không làm thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai, vừa tránh được “rủi ro pháp lý” trong thi hành công vụ cho cán bộ, công chức và người liên quan”, ông Châu khẳng định.
Nhưng, tại thời điểm hiện nay thì Hiệp hội nhận thấy, do một số quy định pháp luật hiện hành chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất nên Bảng giá đất của Thành phố chưa thu thập được thông tin thị trường đầy đủ, chính xác, cập nhật theo thời gian thực, chưa xây dựng được giá đất đến từng thửa đất.
Tổng Hợp
(Dân Việt)