Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị cho phép doanh nghiệp bất động sản dùng trái phiếu làm tài sản bảo đảm khoản vay.
Ngày 12/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới room tín dụng thêm 1,5-2%. Sau đó 2 ngày, Chính phủ cũng có công điện chỉ đạo các ngân hàng tăng cường cho vay với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện. Tuy nhiên, theo HoREA, dù chỉ còn 9 ngày nữa là hết năm 2022 nhưng các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn khó vay tín dụng.
Nguyên nhân chủ yếu được cho là các ngân hàng thương mại không hạ chuẩn tín dụng. Đơn cử, doanh nghiệp xin vay tín dụng mới và đề nghị được thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp do đã hết tài sản bảo đảm, nhưng ngân hàng không đồng ý vì không chấp thuận tài sản bảo đảm là trái phiếu.
Trong trường hợp khác, doanh nghiệp xin vay khoản tín dụng mới dù có tài sản bảo đảm cũng không được ngân hàng chấp thuận do doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (dù chỉ thuộc nhóm 2, 3) chưa thanh toán.
HoREA cho rằng nếu có được khoản vay mới thì doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và thanh toán khoản vay đáo hạn, có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cùng dìu nhau vượt qua khó khăn.
“Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét không nên giữ nguyên chuẩn tín dụng trong tình thế bất thường hiện nay mà nên nới một chút, nhưng vẫn không phải là hạ thấp chuẩn so với bình thường trước đây”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhấn mạnh.
Tuy nhiên, kiến nghị này đang gây nhiều tranh cãi trên thị trường. Bởi lẽ, có quan điểm cho rằng, đây là nợ, mà nợ thì không thể là tài sản đảm bảo. Ngược lại, quan điểm khác lại cho rằng, cổ phiếu hay trái phiếu đều có thể dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay, điều quan trọng là ngân hàng có chấp nhận rủi ro không và chấp nhận đến mức nào.
Theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết trong văn bản mới nhất vừa ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản, trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, dự án bất động sản khu công nghiệp và các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp.
Theo giới chuyên môn, việc hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản là điều nên làm. Bởi lẽ, hiện nay, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính của khối doanh nghiệp bất động sản rất lớn, sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng có xu hướng gia tăng, gây rủi ro cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Trong khi đó, Việt Nam liên tục nhận được nhiều cảnh báo từ các tổ chức quốc tế như World Bank, IMF về mức độ rủi ro an toàn hoạt động ngân hàng. Đáng chú ý là con số tổng dự nợ tín dụng trên GDP bị đẩy cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp (tỷ lệ này năm 2021 ở Việt Nam là 124%). Với tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12%/năm thời gian tới (tức tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP), tỷ lệ này sẽ còn có xu hướng gia tăng.
Chia sẻ quan điểm tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023 tổ chức ngày 27/12, ông Đào Minh Tú cho rằng, kiến nghị trên là vấn đề cần phải hết sức thận trọng. “Hiệp hội Bất động sản TP.HCM thời gian qua đề xuất rất nhiều. Nhưng có những đề xuất có thể xem xét được, cũng có những đề xuất thuộc về lĩnh vực quy định của pháp luật, nằm trong khuôn khổ pháp lý rồi nên không thể tự ý thực hiện được”, ông Tú giải thích.
Cũng theo ông Tú, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp về tín dụng giúp thị trường phát triển lành mạnh, ổn định. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp tổ chức diễn đàn về tín dụng cho thị trường bất động sản, để làm rõ hơn trách nhiệm của ngành ngân hàng, cơ quan quản lý bất động sản, doanh nghiệp, dự án bất động sản. Từ đó, tìm giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, không để “bong bóng” nhưng cũng không để “đóng băng”.
Mặt khác, với tư cách là thành viên Tổ công tác của Thủ tướng về lĩnh vực bất động sản, ông Tú cho biết đã trực tiếp cùng tổ công tác khảo sát, nghiên cứu, phân tích tại các địa phương và thấy rõ nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản.
Tổng Hợp
(VnE, Zing)