Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại trong bối cảnh sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã đẩy mặt bằng giá nhà đất lên cao mà dòng vốn NH lại chảy mạnh vào BĐS, liệu có gây ra nguy cơ bong bóng hay nợ xấu như từng xảy ra khoảng 10 năm trước?
Giám đốc chi nhánh một NH thương mại phụ trách khu vực tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi xảy ra sốt đất thời gian qua, cho biết không phải dự án nào NH cũng thẩm định rồi cho vay tối đa 70% giá trị tài sản bảo đảm. Với các BĐS là nhà ở, nhà đất riêng lẻ, NH sẽ thẩm định theo giá trị thực tế bình quân trong thời gian cả năm, chứ không theo mức giá lúc sốt đất. Thậm chí, ở khu vực có sốt đất, khách hàng chỉ được vay tối đa 40%-50% giá trị tài sản bảo đảm sau khi thẩm định.
Dòng tiền thay vì chảy vào sản xuất – kinh doanh đã chuyển hướng sang BĐS, bởi đây không chỉ là kênh đầu tư mà còn là nơi cất trữ tài sản an toàn theo quan niệm lâu nay của người dân. Hầu hết các NH thương mại đều có chương trình cho vay mua BĐS với mức lãi suất ưu đãi trong 1-2 năm đầu khoảng 7%-8%/năm, sau đó thả nổi vào khoảng 9%-11%/năm. Mức lãi suất này được những người có nhu cầu mua nhà đất để ở hoặc đầu tư nhận định là khá lý tưởng. Nhiều người gửi tiền thấy lãi suất tiết kiệm kém hấp dẫn cũng rút ra để đầu tư nhà đất với kỳ vọng mức sinh lời cao.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết tính tới cuối tháng 3, tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực đều ở mức khá tuy nhiên một số lĩnh vực có mức tăng cao hơn bình quân như tín dụng bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
“Cùng với đó là sự sôi động của thị trường chứng khoán và bất động sản trong thời gian qua có thể tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng”, ông nói. Cụ thể, tín dụng bất động sản cuối quý I đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước, tín dụng vào chứng khoán đạt 45.300 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020, tuy nhiên đang có xu hướng tăng trở lại từ tháng 3. Chia sẻ với người viết về vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho rằng NHNN đã có kinh nghiệm trong việc kiểm soát tín dụng ở các lĩnh vực này và sẽ điều hành ở mức phù hợp, không phải là vấn đề đáng ngại.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh TP HCM, nhìn nhận tín dụng BĐS thời gian qua khởi sắc cả về giá cả và số lượng giao dịch thành công. Chỉ tính riêng tại TP HCM, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến hết quý I khoảng 2,6 triệu tỉ đồng, trong đó tỉ trọng cho vay BĐS khoảng 13,5% và tăng khoảng 2% từ đầu năm đến nay. Tính theo con số tuyệt đối, dư nợ BĐS trên địa bàn TP HCM xấp xỉ 350.000 tỉ đồng.
“Giai đoạn trước, tín dụng BĐS phát triển quá nóng, có khi chiếm 35%-40% tổng dư nợ, đến nay ngành NH vẫn đang vất vả xử lý nợ xấu. Còn hiện nay, có thể khẳng định tín dụng BĐS vẫn được giữ ở mức hợp lý, trong tầm kiểm soát dù nhu cầu của thị trường là rất lớn” – ông Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh.
NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, bản thân các TCTD cũng phải điều hành tín dụng sao cho mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng, tăng trưởng tín dụng theo định hướng của NHNN, phù hợp với cơ cấu nguồn lực của mình, phòng ngừa rủi ro về chênh lệch kỳ hạn hay rủi ro về chênh lệch loại tiền.
Tín dụng bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang có xu hướng tăng mạnh hơn tín dụng chung toàn ngành kinh tế, có thể tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
Nhật Hạ