Nhiều chuyên gia bất động sản nghỉ dưỡng thừa nhận, Covid-19 làm cho thị trường nội địa ngày càng trở nên quan trọng hơn. Do đó, các nhà phát triển cần phải có chiến lược phù hợp để xây dựng các dự án tại những thành phố hạng 2, 3 có phong cảnh thiên nhiên đẹp.
Tại hội thảo Hỗ trợ quá trình phục hồi của Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, ông Nguyễn Thái phiên, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Novaland cũng cho hay, các nhà phát triển bất động sản tại thị trường Việt Nam rất sáng tạo khi không ngừng kiến tạo ra nhiều loại hình sản phẩm nghỉ dưỡng đa dạng hơn trước đây. Nếu các mô hình mới này đạt tiêu chuẩn cao và được thị trường chấp nhận có thể hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi của ngành bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới.
Ông Phiên dự báo, trong bối cảnh đại dịch vẫn còn khó đoán trên toàn cầu, những dự án nghỉ dưỡng có kết nối hạ tầng tốt, thời gian di chuyển nhanh tại thị trường nội địa sẽ có nhiều cơ hội phục hồi sớm hơn.
Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương thừa nhận, không chỉ khó khăn trong năm 2020, ngay cả năm 2021 cũng được dự kiến là một năm đầy thách thức cho ngành bất động sản nghỉ dưỡng. Nguồn khách nội địa sẽ là động lực tăng trưởng chủ đạo của du lịch toàn cầu, bao gồm cả thị trường Việt Nam. Mặt khác, đây cũng là một cơ hôi tốt vì Việt Nam có nguồn khách nội địa lớn, chiếm gần 85% tổng lượt khách trong năm 2019.
Bên cạnh sự chững lại của mảng lưu trú, các lĩnh vực liên quan đến du lịch cũng bị ảnh hưởng, mang đến nhiều thử thách trong quá trình hồi phục, thậm chí không loại trừ còn rất nhiều khó khăn ngay cả khi nguồn cầu quay trở lại. Một số khách sạn thậm chí hoạt động với tỷ lệ lấp đầy ở mức một chữ số. Việc tái bùng phát dịch lần thứ hai đã khiến nhiều địa điểm du lịch nhận được yêu cầu hủy phòng, kéo theo sự sụt giảm công suất của toàn thị trường.
Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khách sạn phân khúc cao cấp trong tháng 8 chỉ đạt dưới 20%, giảm gần 75% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ hai thành phố lớn là TP HCM ghi nhận công suất ở mức 14% và Hà Nội là 24%. Thời điểm này giá phòng trung bình giảm mạnh so với cùng kỳ 2019, gây thiệt hại đáng kể cho hầu hết chủ sở hữu khách sạn, các khu resort nghỉ dưỡng.
Từ cuối tháng 9/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức phát động chiến dịch kích cầu du lịch nội địa lần 2 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Chiến dịch lần này chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao trải nghiệm của du khách nên Tổng cục Du lịch đã nhanh chóng cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” trên thiết bị thông minh, nhằm góp phần triển khai có hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020. Đây được đánh giá là bước đi kịp thời, đúng hướng và được kỳ vọng trở thành công cụ hữu ích đối với du khách trong bối cảnh Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Từ khi COVID-19 xảy ra, cũng có một sự dịch chuyển xu hướng ít nhiều về du lịch: các nhóm bạn bè, gia đình nhỏ thường thích đến các khu hẻo lánh; các loại hình du lịch liên quan đến sức khỏe cũng được quan tâm hơn, như thiền, yoga, tắm khoáng… Thay vì đi các tour sang trọng, dài ngày, khách du lịch đang hướng tới sử dụng tour ngắn ngày, siêu tiết kiệm, siêu khuyến mại. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ có nhu cầu cao hơn khi mua tour du lịch online thay cho offline trước đây.
Bên cạnh các dòng sản phẩm du lịch có tính đại chúng cao như du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội; du lịch đô thị; du lịch đêm; du lịch ẩm thực…
Các dòng sản phẩm du lịch sau đây cần được chú trọng phát triển nhiều hơn sau thời kỳ COVID-19 dựa trên đặc điểm thị hiếu của khách du lịch đó là sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc, sức khỏe, chữa bệnh, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thể thao, du lịch thông minh.
Về dòng sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, từ sau khi đại dịch COVID-19 ở Việt Nam được khống chế, dòng sản phẩm này càng ngày càng được quan tâm. Do vậy, cần tập trung tiếp tục ưu tiên cho phát triển sản phẩm này gắn với các dịch vụ tắm khoáng, tắm thuốc, thiền dưỡng sinh, chữa bệnh, …
Câu chuyện bất động sản nghỉ dưỡng biển của hai tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu dang diễn ra theo đúng kịch bản của hai tỉnh là Khánh Hòa và Đà Nẵng những năm trước đây. Cụ thể ở trục đường Bãi Dài từ TP. Nha Trang hướng về Sân bay Cam Ranh, thời điểm trước năm 2010 toàn tuyến đường dài hơn 10km này chỉ có những đồi cát trắng mà không xuất hiện những dự án bất động sản nghỉ dưỡng nào.
Thế nhưng chỉ từ năm 2015 tới năm 2018 thì nơi đây đã không còn một khu đất trống phía biển, tất cả đã được các doanh nghiệp phủ đầu hơn 100 dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển. Kết quả, là giờ đây, toàn đường này đã thành một khu bất động sản nghỉ dưỡng, nhưng viễn cảnh tươi đẹp khi quảng cáo là dự án sẽ thu hút khách du lịch và nhà đầu tư có lợi nhuận thì giờ đa phần các dự án chưa thu hút được khách du lịch, lượng xây dựng nhà ở cũng như dự án đưa vào khai thác dù đã bán hết hàng cho khách là rất thấp.
Tại thị trường Đà Nẵng những năm 2015 tới 2018 cũng đua nhau phát triển dự án bất động sản biển, nhưng tới nay có những dự án lớn như Cocobay với cam kết lợi nhuận cho khách hàng là 12%/năm cũng đã phá sản dẫn tới nhà đầu tư vỡ trận.
Một điều đáng nói nữa mà theo như ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Vietnam phát biểu tại Hội thảo “Sức hút đô thị biển – Coastal Appeal” tổ chức sáng 14/10/2020, tại TP.HCM vừa qua, dù trải qua rất nhiều thăng trầm nhưng trong 10 năm qua, giá bất động sản biển đã tăng gấp 3 đến 4 lần tùy theo thị trường.
Và khảo sát thực tế tại nhiều buổi mở bán dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển từ đầu năm 2020 tới nay tại TP.HCM cho thấy lượng hàng mở bán ra rất thấp. Đơn cử như tại dự án Thanh Long Bay mà trước khia DKRA Vietnam là đơn vị phân phối, có buổi mở bán doanh nghiệp này phải buồn mà nói rằng chỉ 1 khách hàng chốt cọc cho một lần mở bán.
Còn với các nhà nghiên cứu thị trường bất động sản hiện nay của Việt Nam, ông Lê Bá Tuấn tại TP.HCM cho rằng, ở thị trường bất động sản biển hiện nay đang thiếu tính công nhận pháp lý, thiếu luôn cả việc phát triển dài hạn bởi như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay theo báo cáo từ Sở Du lịch thì lượng khách tới đây du lịch mỗi năm lên tới hàng triệu người nhưng lượng khách quốc tế về đây du lịch lại chỉ vài phần trăm. Và đa phần là khách du lịch từ TP.HCM xuống theo hình thức đi nghỉ ngắm biển hai ngày cuối tuần.
Theo các chuyên gia, sự khởi sắc của ngành du lịch cùng với dòng khách quay trở lại sẽ đồng thời “đánh thức” thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sôi động trở lại, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư lớn.