UBND TPHCM vừa ban hành quyết định về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn năm 2023. Quyết định này sẽ áp dụng ngày 18/3. Khung giá đất ở tối đa gấp 25 lần giá nhà nước, còn đất nông nghiệp gấp 38 lần…
Hệ số K tính theo từng loại đất, chia thành 2 nhóm nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đối với đất ở, hệ số K từ 3 – 25 lần, khu vực trung tâm có hệ số thấp hơn khu vực ngoại thành như Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè.
Cụ thể, khu vực có hệ số cao nhất, tối đa 25 lần, là huyện Hóc Môn (10 – 25 lần) và TP Thủ Đức (6 – 25 lần). Xếp sau là huyện Bình Chánh (6-22 lần), Nhà Bè (10-21 lần), Củ Chi (13-20 lần). Các địa phương còn lại có khung hệ số tối đa dưới 20.
Đất ở được chia theo 4 vị trí. Vị trí 1 là tiếp giáp mặt tiền đường trong bảng giá đất; vị trí 2 tiếp giáp hẻm rộng 5 m trở lên, được tính bằng 0,5 của vị trí 1; vị trí 3 tiếp giáp hẻm rộng 3 – 5 m, được tính bằng 0,8 của vị trí 2; vị trí 4 áp dụng các khu đất còn lại, được tính bằng 0,8 của vị trí 3.
Đối với đất thương mại, dịch vụ được tính bằng 80% giá đất ở liền kề; các loại đất khác như cơ quan, công trình sự nghiệp, nghĩa trang, y tế, giáo dục, tôn giáo bằng 60%.
Đất nông nghiệp tại TPHCM có hệ số cao 5-38 lần giá nhà nước, tăng so với hệ số tối đa năm ngoái là 35. Nơi có hệ số cao nhất là huyện Bình Chánh với khung hệ số 15-38 lần giá nhà nước. Các địa phương có hệ số tối đa 35 lần, gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp. Các địa phương còn lại có hệ số tối đa dưới 30.
Trong quá trình thực hiện, các quận, huyện rà soát mục đích sử dụng đất, vị trí, tuyến đường với các dự án được phê duyệt trong vòng 1 năm để cân đối hệ số điều chỉnh. Nếu không có dự án nào được UBND TPHCM phê duyệt thì thu thập thông tin tại khu vực lân cận có điều kiện tương đồng.
Hệ số này chỉ có ý nghĩa để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân, không phải là hệ số điều chỉnh giá đất được xây dựng từ giá đất cụ thể để tính bồi thường của loại đất thu hồi tại thời điểm thu hồi đất.
Một số quận trung tâm như quận 1, quận 3, quận 10 vẫn giữ nguyên hệ số bồi thường đất ở. Tại quận 1, hệ số đền bù cao nhất vẫn là 5, đồng nghĩa với 3 tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi vẫn có mức đền bù cao nhất tối đa 810 triệu đồng/m2.
Ngược lại, một số quận, huyện ngoài trung tâm chứng kiến hệ số điều chỉnh giá đất thay đổi lớn so với quyết định cũ ban hành ngày 25/8/2022.
Ví dụ, quận Tân Phú trước đây có hệ số điều chỉnh giá đất bồi thường cũ ở mức 7-8, nay được điều chỉnh thành 7-18. Tuyến đường Hòa Bình tại quận này trước đây có mức giá đền bù cao nhất là 134 triệu đồng/m2 nay lên tới 302 triệu đồng/m2 theo hệ số mới. Quận 7 có hệ số điều chỉnh mới là 6-12 nên mức đền bù cao nhất lên tới 290 triệu đồng/m2 so với mức 145 triệu đồng/m2 trước đây (đường Tân Phú).
Tương tự, hệ số điều chỉnh của TP Thủ Đức được điều chỉnh từ 6-15 thành 6-25. Theo đó, tuyến đường Trần Não ở khu vực quận 2 cũ trước đây có giá đền bù cao nhất là 330 triệu đồng/m2, nay lên tới 550 triệu đồng/m2, đường Lê Văn Ninh ở quận Thủ Đức cũ có mức đền bù cao nhất từ 293 triệu đồng/m2 tăng lên 488 triệu đồng/m2.
Huyện Bình Chánh điều chỉnh hệ số cao nhất từ 12 lên 22, tương ứng mức đền bù cao nhất từ 192 triệu đồng/m2 lên 352 triệu đồng/m2 (đường 9A – Khu dân cư Trung Sơn). Huyện Hóc Môn tăng hệ số bồi thường từ 8-15 lên 10-25, kéo theo mức đền bù cao nhất từ 101 triệu đồng/m2 tăng lên 169 triệu đồng/m2.
Tổng Hợp
(Tiền Phong, Dân Trí)