Không phủ nhận hiệu quả của trái phiếu doanh nghiệp. Đây là vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và kênh đầu tư hấp dẫn về dài hạn. Tuy nhiên, không vì một vài “con sâu” này mà làm ảnh hưởng và kìm hãm sự phát triển của toàn thị trường tài chính.
Những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa qua là bài học quan trọng nhưng không đại diện cho toàn thị trường.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng cho biết: Cơ quan chức năng đang áp dụng chế tài mạnh tay hơn để minh bạch thị trường trái phiếu. Việc dẹp bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ giúp thị trường trái phiếu minh bạch hơn, an toàn hơn. Doanh nghiệp có tài sản, có uy tín, làm ăn minh bạch, đàng hoàng được khơi mở dòng vốn. Nhà đầu tư có điều kiện tiếp tục đầu tư tài sản sinh lợi vào một trong những kênh đầu tư sinh lợi an toàn.
Ngoài ra, PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng nhà đầu tư cần nâng cao nhận thức và hiểu biết để kiểm soát rủi ro, nhất là nhà đầu tư cá nhân vốn có ít lợi thế về thông tin và kỹ năng nghiệp vụ phân tích tài chính. Cụ thể, nhà đầu tư nên chọn mua trái phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu đã có lịch sử phát triển bền vững trong nhiều năm. Lãi suất trái phiếu phát hành có thể không cao hơn nhiều lãi suất tiết kiệm nhưng an toàn, nhất là với nhà đầu tư ít kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần xem xét kỹ tính chuyên nghiệp của tổ chức tư vấn phát hành, đơn vị trung gian giữa doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư để hạn chế rủi ro. Đặc biệt, không nên bán tháo khi chưa hiểu rõ bản chất trái phiếu để tránh gây thiệt hại về tài chính cho bản thân.
Trước một loạt thông tin tiêu cực liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần đây đã dấy lên hoài nghi từ giới đầu tư, ảnh hưởng xấu đến trái phiếu doanh nghiệp và gây hệ lụy đến việc phát triển thị trường tài chính – chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.
Dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có chững lại, nhưng động thái của Chính phủ, Bộ Tài chính nhằm thanh lọc thị trường, chấn chỉnh lại hoạt động phát hành là kịp thời và cần thiết. Bởi thị trường trái phiếu sau khi tăng trưởng cần được cơ cấu lại với các quy định chặt chẽ hơn nhằm tránh nguy cơ đổ vỡ hàng loạt, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu hình thành từ năm 2000, bắt đầu phát triển kể từ năm 2011. So với các nước trong khu vực, quy mô trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn khá thấp. Trong 2021, quy mô trái phiếu doanh nghiệp của Hàn Quốc ở mức 87%, Malaysia là 56%, Singapore là 38%, Trung Quốc là 36,5% và Thái Lan là 25%, nhưng Việt Nam chỉ ở mức 14,8%.
Nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp chủ yếu vẫn là các tổ chức tín dụng, chiếm gần 30% số lượng nhà đầu tư tham gia năm 2021 và chỉ khoảng 8,36% là nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp lên tới 25 – 30%. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đang rất tiềm năng, có nhiều dư địa để phát triển và rất được các nhà đầu tư cá nhân quan tâm.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng thị trường trái phiếu thời gian qua được coi là một kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp về trung và dài hạn. Nguồn vốn từ trái phiếu giúp doanh nghiệp bổ sung dòng tiền, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên từ đầu năm nay, việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đã thu hẹp đáng kể sau khi cơ quan quản lý “siết” chặt điều kiện về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đối với tổ chức tín dụng và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ trên thị trường.
“Tiềm năng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam rất lớn. Đây là một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, doanh nghiệp và là một kênh đầu tư hấp cho nhà đầu tư, nhất là khi các tiêu chí an toàn ngày càng củng cố”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp sau một loạt các vụ án liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…, theo các chuyên gia kinh tế là cần thiết để giúp thị trường minh bạch hơn, bền vững hơn và hiệu quả hơn.
Tổng Hợp