Việc sửa luật Đất đai được rút ra lần thứ 2 khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội khóa 14. Việc sửa đổi đạo luật quan trọng này sẽ được chuyển sang khóa 15.
Chiều 10.6, với 454/460 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình năm 2020.
Theo đó, nghị quyết của Quốc hội quyết định rút luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đất đai khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, đồng thời cũng chưa đưa vào chương trình năm 2021.
Giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số đại biểu tán thành rút luật Đất đai khỏi chương trình năm 2020 nhưng đề nghị đưa vào chương trình năm 2021 để sớm sửa đổi, khắc phục các vướng mắc, bất cập.
Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành luật Đất đai vào chương trình năm 2020.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án luật này được Quốc hội quyết định đưa vào chương trình năm 2019, sau đó được điều chỉnh sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2020) nhằm thể chế hóa Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo và thành lập ban soạn thảo do Bộ Tài nguyên – Môi trường chủ trì. Tuy nhiên, đây là dự án quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
Quá trình nghiên cứu sửa đổi luật còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian tổng kết kỹ lưỡng, như: các vấn đề về kinh tế, tài chính đất đai; khung giá đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tập trung, tích tụ đất nông nghiệp và an ninh lương thực; quản lý đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh; chế độ quản lý, sử dụng đất để xây dựng căn hộ, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp với lưu trú; chính sách quản lý, sử dụng đất tôn giáo; việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài…
Hơn nữa, trong bối cảnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới sẽ thông qua các văn kiện quan trọng mang tính định hướng chiến lược toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cho giai đoạn mới, trong đó có các chính sách mới về đất đai.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho rút dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đất đai ra khỏi chương trình.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tiếp tục khẩn trương tiến hành nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất sửa đổi luật Đất đai (không phải sửa đổi, bổ sung một số điều); có hình thức thích hợp lấy ý kiến nhân dân, các đối tượng chịu sự tác động của chính sách nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các nghị quyết, kết luận khác của T.Ư, xây dựng hồ sơ dự án luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình năm 2021, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10.2021).
Liên quan đề nghị, bổ sung dự thảo nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành luật Đất đai, qua thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và xem xét hồ sơ đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các nội dung đề xuất về bản chất là sửa đổi luật Đất đai; việc ban hành nghị quyết này có tác động đến đời sống kinh tế – xã hội tương tự như việc sửa đổi, bổ sung luật Đất đai. Do đó, tại thời điểm hiện nay, đề nghị Quốc hội cho phép không bổ sung nghị quyết này vào chương trình năm 2020 để tập trung nghiên cứu, sửa đổi luật.
Lê Hiệp