Như hiện tại trong vài năm tới TP.HCM sẽ không còn nhà ở phân khúc trung cấp, trong khi phân khúc bình dân cũng “biến mất” trước đó thì thành phố này sẽ chỉ còn nhà ở cho người giàu.
Bất động sản Việt Nam Việt Nam cũng đang đối mặt với thách thức khác từ việc thu hẹp nguồn cung. GS. Đặng Hùng Võ cho biết, nguồn cung thị trường giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp họ nói họ không sợ Covid-19 mà chủ yếu chờ đợi pháp luật.
“Tối lấy ví dụ, ngay tại thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đã thể hiện rất thiếu đồng bộ với các Luật có liên quan. Hệ quả là quy trình chuyển dịch đất đai để đầu tư phát triển khá phức tạp và chưa động viên được động lực từ khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, việc sửa Luật đất đai bị lùi lại khá nhiều, khoảng trống thị trường rất lớn”, ông Võ nhận định.
“Vấn đề lớn nhất vẫn là sửa luật thôi. Nếu sửa luật đúng nội dung và trúng giải pháp thì thị trường bất động sản sẽ giải thoát được ách tắc, phát triển tốt. Phải mau chóng tập trung vào làm việc này. Nếu vấn đề nguồn cung không được xử lý thì vài năm tới giá sẽ tăng lắm. Mà đâu cần vài năm tới, vừa qua thị trường bất động sản vẫn tăng giá bất chấp Covid-19”, ông Võ nói thêm.
Trong khi đó, lãnh đạo HoREA cho biết, hiện nay, căn hộ nhà ở thương mại 2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền khoảng trên dưới 2 tỷ đồng. Với cặp vợ chồng (có 1-2 con) có tiền lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng (60-70 triệu đồng/năm), thì giấc mơ tạo lập nhà ở càng xa vời, nếu không được hỗ trợ ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội.
Tình trạng này cũng tương tự tại Hà Nội. Nhiều dự án ven đô Hà Nội, mức giá cũng đẩy lên 50-60 triệu đồng/m2.
Trước câu hỏi về tốc độ tăng trưởng giá bất động sản tại TP.HCM trong thời gian qua, KTS Nguyễn Thu Phong nhận định mức độ tăng trưởng về giá của bất động sản tăng gấp nhiều lần khả năng dự báo về kinh tế xây dựng của các bản quy hoạch trước đó, khiến quy hoạch vừa được phê duyệt xong đã trở nên lỗi thời.
“Mỗi lần điều chỉnh quy hoạch mất đến vài năm để nghiên cứu và trình bày, trong khi giá đất chỉ cần 3 tháng đã tăng gấp đôi”, ông Nguyễn Thu Phong dẫn chứng. Vị chuyên gia cho rằng đây là một thực tế tréo ngoe mà không phải chính quyền nào cũng có khả năng cải thiện ngay tức khắc.
Chính cấu trúc phức tạp này đòi hỏi một cách ứng xử phù hợp của các nhà quy hoạch. Trong lý thuyết về quy hoạch vùng, cần phải tìm các hạt nhân phân tán. Trước đây chúng ta có khái niệm về khu đô thị vệ tinh để thể hiện mối quan hệ giữa các thành phố nhỏ với thành phố lớn, tuy nhiên hiện nay đô thị không còn phát triển theo mô hình “vệ tinh” này nữa mà là chuỗi các khu đô thị liên tiếp nhau.
Trong 5 năm trở lại đây, nhiều khu vực tại TP.HCM và các tỉnh vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu liên tiếp chìm trong các cơn sốt đất trước những thông tin điều chỉnh quy hoạch hay dự án hạ tầng mới. Đặc biệt, đề án thành lập Thành phố Thủ Đức cũng như các dự án phát triển hạ tầng tại khu vực phía Đông thành phố đã khiến giá bất động sản cả phân khúc nhà ở và đất nền tại quận 2, quận 9, Thủ Đức tăng gấp 2-3 lần so với trước đó.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng, giá bất động sản không có dấu hiệu giảm trong quý 3, thậm chí tiếp tục tăng ở một số phân khúc.
Cụ thể như riêng tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư trong quý 3 tăng khoảng 0,24% so với quý trước. Đối với nhà ở riêng lẻ giá ở Hà Nội tăng khoảng 0,03%. Còn tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,35% so với quý 2.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tỏ ra lo ngại khi giá nhà ở TP.HCM cứ tiếp tục tăng cao. Hiện giá chung cư cao cấp ở thành phố này thấp nhất cũng 60-70 triệu đồng/m2.
Nếu cứ tiếp tục đẩy giá như thế này thì chỉ khoảng nửa năm nữa, TP.HCM sẽ không còn nhà ở phân khúc trung cấp, trong khi phân khúc bình dân cũng “biến mất” trước đó thì thành phố này sẽ chỉ còn nhà ở cho người giàu, vị chuyên gia lo ngại.
“Quan trọng nhất vẫn là việc biến động giá nhà ở phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng, nếu cầu tăng mà cung giảm thì giá sẽ tăng. Cung tăng mà cầu giảm thì giá sẽ giảm. Xét về việc quỹ đất ngày càng khan hiếm, nhất là ở khu vực nội đô, trong khi dân số ngày càng đông, nhu cầu sử dụng đất cũng sẽ tăng theo thời gian. Người tăng, đất không tăng nên giá nhà khó đứng yên”, ông Quốc Anh nhận định.