Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.Hồ Chí Minh cho rằng, việc “nhảy” nhóm nợ khiến các doanh nghiệp bất động sản không thể vay được tín dụng.
Do đó, nếu ngân hàng nới lỏng đối với nợ nhóm 2-3 mà dự án có khả thi thì nên giải ngân cho doanh nghiệp. Nếu muốn các khoản nợ không “nhảy” nhóm thì chỉ có cách cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Trước tình cảnh hiện nay của doanh nghiệp, HoREA kiến nghị NHNN xem xét ban hành thông tư mới, tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN, cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm.
Về phía ngân hàng, chia sẻ với PV bên lề hội nghị tín dụng bất động sản, ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank cho biết, doanh nghiệp bất động sản hiện nay không chỉ đối mặt với khoản nợ đáo hạn mà còn áp lực lớn đối với khoản trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành, trong khi đó nguồn thu và dòng tiền thu được từ bất động sản bị chững lại.
Do vậy, nếu không có biện pháp hỗ trợ dẫn đến doanh nghiệp không trả được nợ ngân hàng cũng như các khoản trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn không thanh toán được. Nếu có thể cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ thêm thời gian nhất định cũng là sự hỗ trợ cần thiết trong giai đoạn này.
“Những giải pháp trên hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản sống sót qua thời gian này. Trong vài năm tới khi thị trường ấm lên, kinh tế phát triển và bất động sản sẽ trở lại nhịp bình thường”, ông Hưng nhìn nhận.
Có quan điểm ngược lại, ông Nguyễn Hoàng Dũng – Phó Tổng giám đốc, phụ trách Ban điều hành VietinBank cho rằng, việc cơ cấu nợ cho riêng doanh nghiệp bất động sản không phù hợp, vì đây là vấn đề thị trường. Nếu có cơ chế đặc thù cho sản bất động sản thì các hiệp hội ngành nghề khác cũng đòi cơ cấu nợ. Như vậy sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các ngành nghề.
“Tôi cho rằng các doanh nghiệp nên tự cơ cấu, các anh chị bán đi tài sản, vấn đề là bán bao nhiêu”, ông Dũng nêu ý kiến.
Là một trong những ngân hàng hiện đang có dư nợ cho vay top đầu hệ thống, theo ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng chỉ cơ cấu nợ theo quy định hiện hành trong hoạt động của ngân hàng.
Các ngân hàng đều có cơ sở, căn cứ pháp lý để thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh. Nguyên tắc cơ cấu nợ đó là việc sau khi cơ cấu xong doanh nghiệp đã được cơ cấu nợ phải đảm bảo trả đủ gốc và lãi cho các ngân hàng.
Hiện nay, không chỉ riêng doanh nghiệp bất động sản mà các doanh nghiệp lĩnh vực khác trong quá trình hoạt động kinh doanh nếu khó khăn ngân hàng đều thực hiện cơ cấu nợ theo đúng quy định hướng dẫn của NHNN – theo Tổng giám đốc Vietcombank.
Đối với đề xuất tái cơ cấu khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ tương tự cơ chế chính sách mà NHNN đã triển khai thông qua việc ban hành Thông tư 01 sau này là Thông tư 03, Thông tư 14 là không cần thiết.
Ông Tùng cho rằng, đây là các chính sách đặc thù hỗ trợ cần thiết trước những điều kiện bất khả kháng là đại dịch trên quy mô toàn thế giới. Còn trong điều kiện kinh doanh thông thường thì nên áp dụng điều kiện thông thường để triển khai.
“Việc cơ cấu nợ nên triển khai một cách rất thận trọng, chính xác đảm bảo không chuyển nợ xấu về sau. Nếu dồn nợ xấu về sau tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế cũng như chính ngân hàng”, ông Tùng khuyến nghị.
Về vấn đề này, NHNN cho hay sẽ tiếp thu và nghiên cứu. Dù vậy, cơ quan điều hành cho rằng, rất khó đưa ra cơ chế ưu ái riêng cho doanh nghiệp bất động sản. Bởi nếu vậy các ngành nghề khác cũng đòi cơ chế tương tự, trong khi bất động sản không phải là lĩnh vực ưu tiên.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào khẳng định, bất động sản là lĩnh vực có đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Thời gian qua, thị trường bất động sản xuất hiện mất cân đối cung cầu, dư thừa phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở cho người thu nhập trung bình và thấp, xảy ra tình trạng sốt đất cục bộ, sai phạm của một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) dẫn tới khủng hoảng mất niềm tin trên thị trường này… Tuy vậy, không có chuyện ngành ngân hàng siết tín dụng với lĩnh vực này.
Thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản là cao nhất trong các ngành, lĩnh vực và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các lĩnh vực. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, năm qua, thậm chí có những doanh nghiệp bất động sản dư nợ tăng hơn 300%, có những tập đoàn tín dụng tăng 68-70% trong khi tín dụng bình quân chung toàn nền kinh tế chỉ tăng 13-14%.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết thêm, năm 2020, tín dụng bất động sản tăng 12,06%, năm 2021 tăng 13,55% thì năm 2022 tăng tới 24,27%, đạt dư nợ 2,58 triệu tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng dư nợ. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Theo NHNN, năm 2022, thị trường bất động sản có rất nhiều biến động. Nửa đầu năm, thị trường bất động sản tăng trưởng nóng tại nhiều phân khúc, tình hình chuyển biến ngược lại nửa cuối năm.
Trong khi đó, cơ cấu sản phẩm trên thị trường không hợp lý, thiếu nhà ở phục vụ công nhân, nhà ở xã hội; nhiều dự án gặp khó khăn về pháp lý, quy hoạch. Mặc dù cơ cấu vốn huy động của doanh nghiệp bất động sản từ nhiều nguồn khác nhau, song năm 2022, việc huy động vốn của doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán và bất động sản gặp nhiều khó khăn. Sự khó khăn của thị trường bất động sản ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng tín dụng và tài sản của các ngân hàng cũng như ảnh hưởng kinh tế vĩ mô. Thời gian qua, NHNN đã theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường bất động sản cũng như tín dụng bất động sản, đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững.
Tổng Hợp
(Dân Việt)