Quy định “trói” dự án bằng qui mô, có vốn 10.000 tỉ đồng phải được Thủ tướng quyết, theo các chuyên gia kinh tế là cách làm luật “thụt lùi” cải cách, chẻ nhỏ chính sách không cần thiết.
Kéo lùi nỗ lực cải cách
Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nói thẳng: Luật Đầu tư sửa đổi phải được sửa đổi theo hướng dễ dàng hơn, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp (DN), chứ không có lý do gì để đi ngược lại, thậm chí đưa ra những quy định kéo “thụt lùi” nỗ lực cải cách tư pháp, cải cách hành chính của Chính phủ.
“Quan điểm của tôi trong duyệt cấp phép đầu tư, kinh doanh là cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa về các địa phương. Phải tự tin để làm điều đó. Thứ nhất, không phải chờ đến khi vai trò quản lý của các địa phương hoàn hảo rồi, mới dám phân cấp. Hoặc cũng không nên vì chưa tự tin vào khả năng, “trình” thẩm định dự án đầu tư của cấp địa phương nên không dám trao quyền, “ôm” lên Thủ tướng quyết cho chắc. Việc đưa ra quy mô vốn 10.000 tỉ đồng đưa lên Thủ tướng quyết là cách làm thiếu tự tin trong phân quyền”, luật sư Tám nói và nhấn mạnh, chính việc phân cấp để giãn quyền quản lý điều hành và để nâng cấp chính mình.
Chuyên gia kinh tế – TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, phân tích luật Đầu tư sửa đổi cần phân rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và trung ương. Tư duy để cái gì dễ cho địa phương làm, khó đẩy lên Chính phủ là thể hiện công vụ không rõ ràng và né tránh trách nhiệm.
“Theo tôi, luật Đầu tư sửa đổi trong quy định phân cấp, cần theo sát 3 cơ chế phân quyền, phân cấp và ủy quyền được quy định tại điều 12, 13, 14 trong luật Tổ chức chính quyền địa phương. Định nghĩa 3 khái niệm này rất rõ nhưng trong các luật chuyên ngành lại không có quy định 3 nội dung này nên mới có cách làm luật “đùn đẩy” trách nhiệm lên trên”, TS Lịch nói.
Thực tế, trong quá trình góp ý luật Đầu tư sửa đổi, phần thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, nhiều ý kiến cho rằng cần loại bỏ một số dự án đầu tư thuộc diện phải trình Thủ tướng theo quy định tại điều 31 luật Đầu tư, bao gồm dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỉ đồng trở lên (dự thảo luật Đầu tư sửa đổi quy định này nâng lên 10.000 tỉ đồng). Đồng thời, bổ sung quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên…
“Nên nhớ một dự án cần sự chấp thuận của Thủ tướng cần chuẩn bị 10 bộ hồ sơ thì dự án thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố cũng phải chuẩn bị 8 bộ hồ sơ tương tự, trong đó có ít nhất có 1 bộ gốc. Như vậy, cứ chẻ nhỏ quy định ra, cái gì cũng phải chờ Thủ tướng quyết định thì quá nặng tính hành chính, mất nhiều cấp trung gian, tốn nhiều chi phí, thời gian, cơ hội của nhà đầu tư, doanh nghiệp”, luật sư Trương Xuân Tám bức xúc.
Không thể làm luật theo từng dự án
Đặt vấn đề luật Đầu tư sửa đổi phải được xây dựng dựa trên quyền lợi của DN, PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển DN, nhấn mạnh: “Phân cấp, phân quyền là chuyện đương nhiên phải làm. Mọi hoạt động điều hành, cho dù ở cấp nào, cũng dựa trên cơ sở luật pháp. Thế nên, xây dựng một bộ luật hay luật thì cũng phải dựa trên việc làm thế nào mà một người dân thường đọc cũng hiểu cơ bản như Thủ tướng. Nếu xây dựng luật có quá nhiều quy định buộc nhà đầu tư phải “mang lên hỏi Thủ tướng” thì công tác xây dựng luật chưa đạt yêu cầu.
Luật Đầu tư sửa đổi phải được sửa đổi theo hướng để người hưởng thụ và người thực thi đều hiểu như nhau. Thế nên, việc cần thiết nhất là hệ thống pháp luật đơn giản dễ hiểu nhất có thể, đừng phức tạp để khi thực thi lại chồng chéo, đi gõ cửa hỏi khắp nơi cũng không ra vấn đề”.
TS Trần Du Lịch nhận xét, ngay từ đầu, ông đã thấy cách tiếp cận của luật Đầu tư có cái gì đó chưa chuẩn, chồng lên một số quy định tại các luật khác. DN thì chịu sự điều chỉnh của luật Doanh nghiệp, các lĩnh vực ngành khác sẽ có các luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Môi trường… điều chỉnh; các ngành lại có quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch đất đai… điều chỉnh. Thế nên, nhiều quy định trong luật Đầu tư đã bị “luật chồng luật” rồi. “Quan trọng của một dự án không phải là giấy phép mà là quy hoạch tốt. Nay chúng ta sửa đổi luật Đầu tư vẫn giữ những quy định “nhỏ” trong vấn đề lớn là cách làm luật theo từng dự án hơn là luật chung”, TS Lịch nói.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân khẳng định: Luật xây dựng lấy tiêu chí 5.000 tỉ đồng, 10.000 tỉ đồng để đánh giá quy mô, phân cấp quản lý là không chính xác, không thể hiện đúng bản chất của dự án. Đó là chưa nói đến quy định con số vốn trong một dự án vào luật là chia quá nhiều ô nhỏ trong một ngôi nhà lớn. Nhiều cái ô nhỏ trong ngôi nhà tưởng sẽ được che chắn tốt, nhưng thực ra bị dột khắp nơi, nước chảy từ các ô nhỏ khác nhau mà thành. Thế nên, làm luật nên xây dựng một mái nhà chung lớn, bao trùm lên ngôi nhà, che chắn tốt, nhưng thoáng rộng để bên trong đó, mỗi bộ phận có cơ hội phát huy năng lực và tiềm lực của mình.
Nguyên Nga
Theo Thanh Niên