Giám sát chặt, không để công chức có doanh nghiệp ‘sân sau’.
UBND TPHCM vừa ban hành khẩn kế hoạch “Cải thiện, khắc phục và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố năm 2023”.
Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu khắc phục ngay các điểm yếu kém, cải thiện và nâng cao các chỉ số thành phần của PCI trong năm nay, tạo thay đổi tích cực, rõ nét hơn về môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của địa phương và đồng hành cùng doanh nghiệp theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Kế hoạch này cũng nhằm phấn đấu đưa TPHCM vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế ở mức tốt; thúc đẩy thi đua, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế – xã hội giữa các sở, ban ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện.
Để thực hiện các mục tiêu trên, chính quyền TPHCM đề ra 10 nhóm giải pháp triển khai gắn với các chỉ số nâng cao PCI.
Trong đó, đối với chỉ số tiếp cận đất đai, UBND TPHCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các quỹ đất có khả năng phát triển dự án xung quanh các khu, cụm công nghiệp để tham mưu UBND thành phố điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm nhà ở công nhân, đồng thời có các cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút nhà đầu tư và người dân tham gia phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân nhằm tăng tính khả thi và huy động được nguồn lực xã hội.
Đối với chỉ số minh bạch, lãnh đạo TPHCM yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các địa phương công khai, hệ thống hoá quy trình giải quyết thủ tục hành chính, các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ vận hành Cổng thông tin điện tử tích hợp tính năng thực hiện dịch vụ công trực tuyến… Khi xây dựng kế hoạch kiểm tra, không để xảy ra tình trạng kiểm tra quá 1 lần/năm, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Đặc biệt, đối với chỉ số cạnh tranh bình đẳng, lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện giám sát công chức trong thực thi công vụ, không để xảy ra hiện tượng công chức có doanh nghiệp “sân sau” hoặc doanh nghiệp “thân hữu” gây bất bình đẳng trong giải quyết công việc.
Các cơ quan đơn vị và địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, công bố kịp thời các thông tin về các đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)