Dễ dàng nhận thấy, “bóng ma” bong bóng bất động sản năm 2008, đang lởn vởn khi những cơn sốt đất cục bộ tại nhiều địa phương đang diễn ra, nhưng ít giao dịch. Tình trạng này cần phải được ngăn chặn sớm.
Các chuyên gia cũng nhận định, nếu để vốn tín dụng ngân hàng chảy vào bất động sản quá nhiều, dẫn đến cung tăng quá nhanh mà cầu không có, thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng đóng băng giống như trong quá khứ. Nhưng bây giờ thì ngược lại, nguồn cung ngày càng khan hiếm trong khi cầu tăng vùn vụt, điều này có nguy cơ dẫn đến bong bóng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cho rằng: “Theo tiêu chí đánh giá bong bóng bất động sản của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cứ 37 năm thu nhập bình quân của một người bình thường mới mua nổi một căn nhà là báo động của bong bóng. Việt Nam trước đây mới tính có 35 năm, nhưng đến bây giờ cũng đang xấp xỉ 37 năm. Trong khi đó, đất đai ngày càng khó khăn, tín dụng trái phiếu cũng tương tự, nên nguồn cung hạn hẹp mà cầu thì tiếp tục tăng. Rất có khả năng thị trường bất động sản sẽ xuất hiện bong bóng vào năm 2023 nếu Chính phủ không kịp thời điều chỉnh.
“Nếu không có cải cách căn bản về thủ tục pháp lý để tăng nguồn cung, cộng với việc siết tín dụng và phát hành trái phiếu thì bong bóng bất động sản rất dễ xảy ra. Chưa kể một khối lượng tín dụng và trái phiếu rất lớn đang nằm trong tay một số tập đoàn có thể tạo ra hệ lụy vô cùng nguy hiểm cho hệ thống ngân hàng. Đây là điều rất đáng lo ngại”, ông Nghĩa đánh giá.
Báo cáo quý I/2022 của DKRA cho biết ngoại trừ phân khúc đất nền tăng nhẹ 6% lượng tiêu thụ so với quý trước và cùng kỳ 2021, thị trường căn hộ và nhà phố, biệt thự đều gặp khó. Tính cả địa bàn TP.HCM và các tỉnh giáp ranh, chưa đầy 2.600 căn hộ được tiêu thụ trong 3 tháng đầu năm, chỉ bằng 45% quý trước và bằng 59% cùng kỳ năm 2021.
Thậm chí, mức hấp thụ ở thị trường nhà phố, biệt thự chỉ khoảng hơn 430 căn, tương đương 18% quý IV/2021 và bằng 65% cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá nhà biệt thự đã tăng 82% theo năm, đất nền nhiều nơi tăng tới 40-50%. Điều đặc biệt nữa là trong 2 năm qua, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp được cấp mới rất hạn hẹp, mặc dù khách hàng ở phân khúc này luôn có nhu cầu rất lớn.
Đại diện Savills Hà Nội cho rằng, “áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao, trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn. Lần đầu tiên sau nhiều năm, ở những thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM cùng lúc xuất hiện tình trạng “đói cung” trầm trọng, giá tăng cao. Đó là chỉ dấu cho thấy sự bất ổn của thị trường bất động sản”.
Ở mặt khác, tín dụng vào bất động sản đang bị siết lại trước tình trạng dòng vốn cho thị trường này có dấu hiệu tăng nóng. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo sát sao về kiểm soát dòng vốn chảy vào lĩnh vực này từ kênh tín dụng và trái phiếu. Nhiều ngân hàng cũng đã có động thái quyết liệt hơn khi tạm dừng cho vay lĩnh vực này.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhiều doanh nghiệp dựa vào vay ngân hàng để phát triển dự án sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không có vốn để phát triển dự án, thậm chí dẫn đến việc co hẹp quy mô. Những doanh nghiệp có dự án đang hình thành và đang bán sẽ bị ảnh hưởng vì người mua nhà bị động hơn, khó khăn trong tiếp cận vốn vay.
Các chuyên gia cũng cho rằng, đến một thời điểm nhất định, giá tăng quá cao khiến tính thanh khoản không còn, khi đó, bong bóng sẽ vỡ, giao dịch giảm mạnh và giá bắt đầu lao dốc không phanh. Trong thời điểm hiện tại, khi nguồn cung co hẹp, giá tăng cao, tín dụng siết lại, thì chúng ta cũng nên đặt câu hỏi rằng, liệu có phải bong bóng bất động sản đang căng dần lên?
Tổng Hợp