Lĩnh vực đứng đầu về số doanh nghiệp giải thể trong 8 tháng đầu năm là kinh doanh bất động sản với 620 doanh nghiệp. Cùng với đó, hàng nghìn nhân viên môi giới thất thu, phải tìm công việc khác.
Cả tuần không được mối khách
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 liên tiếp trong những ngày qua, khiến lượng khách hàng giảm đáng kể, kế hoạch của không ít doanh nghiệp địa ốc phải thay đổi,… đồng nghĩa hàng nghìn nhân viên môi giới tiếp tục sống trong cảnh thất nghiệp, “ăn đợi nằm chờ”.
Anh Vũ Thành Trung – Chuyên viên môi giới BĐS nhiều năm tại khu vực Láng – Hòa Lạc chia sẻ, bình thường hầu như ngày nào mình cũng có vài khách gọi điện nhờ tư vấn, có ngày cuối tuần mình dẫn 3-4 nhóm khách lên Hòa Lạc xem đất, nhưng mấy tháng gần đây lượng khách giảm đáng kể thậm chí cả tuần không được mối khách nào.
Do không có khách hàng, khiến không ít nhân viên “sale” thất nghiệp hoặc phải chuyển nghề
“Khi thị trường ổn định, nghề “sale” BĐS mang lại thu nhập vô cùng hấp dẫn cho nhiều người. Tuy nhiên, dịch Covid-19 kéo dài và việc thị trường đi xuống khiến không ít nhân viên “sale” thất nghiệp hoặc chuyển nghề.
Dịch bệnh thực sự đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường, khiến cho doanh nghiệp lẫn nhân viên bán hàng như ngồi trên “đống lửa” – anh Trung nói.
Theo tâm sự của Lê Thúy – một môi giới, để kiếm được khách hàng mọi người thường phải chạy quảng cáo trên các kênh. Chi phí cho quảng cáo mỗi tháng cũng gần 10 triệu đồng. Hàng không bán được, tiền quảng cáo quá lớn khiến Thúy phải suy nghĩ đến chuyện bỏ nghề.
“Em đang tham gia bán hàng cho một dự án nhà quận Bắc Từ Liêm. Sau đợt dịch lần 1, nghĩ vẫn túc tắc tìm được khách nên em đầu tư chạy quảng cáo. Nhưng, cả tháng qua em tốn gần chục triệu đồng quảng cáo mà khách hàng thì không thấy đâu. Như vậy là mất cả chì lẫn chài”, Thúy chán nản cho hay.
Theo chị Lê Thúy, tại sàn giao dịch bất động sản nơi chị làm việc cũng như nhiều sàn khác, đa số nhân viên môi giới đều đã nghỉ việc và phải chuyển nghề khác, như bán đồ ăn online, shipper,… để duy trì cuộc sống, thậm chí có người chuyển về quê “sống tạm”.
Những môi giới còn trụ lại trên thị trường thì bắt đầu “gồng mình” để bán hàng trong mùa dịch. Dù đã dùng đến các hình thức như sử dụng công nghệ để bán hàng online, hỗ trợ khách khách hàng xem sản phẩm trực tuyến,…nhưng cũng chưa khả quan bởi cả khách mua ở thực lẫn nhà đầu tư đều đang trong tâm lý lo ngại về dịch bệnh.
Trong khi đó, cũng do nhiều công ty môi giới bất động sản nhỏ vì khó khăn không thể trả lương cho nhân viên nên mối quan hệ công việc giữa công ty và nhân viên sale không bền chặt, không làm ăn được khiến môi giới phải rời đi.
Tám tháng, 620 doanh nghiệp BĐS giải thể
Mới đây, theo báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê về tình hình đăng ký doanh nghiệp mới trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020, lĩnh vực đứng đầu về số doanh nghiệp giải thể là kinh doanh bất động sản với 620 doanh nghiệp.
Trong tám tháng đầu năm có tới 620 doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS giải thể
Báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS – Bộ Xây dựng cũng cho thấy, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, có khoảng 80% sàn giao dịch BĐS đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới thất nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh BĐS là rất lớn, khiến công tác triển khai, mở bán, ra mắt dự án…, của nhiều doanh nghiệp BĐS phải dừng, tạm hoãn hoặc thậm chí phải đóng cửa.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến các nguồn tài chính của khách hàng eo hẹp hơn, họ sẽ tập trung vào việc giữ tiền mặt để ưu tiên những nhu cầu thiết yếu, hạn chế tập trung đi lại và điều này sẽ ảnh hưởng đến sức mua BĐS.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến thị trường bất động sản trở nên thê thảm nhất trong hàng chục năm gần đây.
Đợt dịch bùng phát đầu năm, trong tổng số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực môi giới thì có tới 1/3 sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa. Bên cạnh đó, khoảng 500 sàn phải tạm dừng hoạt động một phần.
Còn theo các chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản vừa trải qua đợt dịch bùng phát hồi đầu năm, chưa kịp hồi phục lại phải đối mặt với làn sóng bùng phát dịch thứ hai này, tuy cho có số liệu thống kê, nhưng chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn nữa bởi sự khó khăn của nền kinh tế nói chung và tâm lý của khách hàng không mấy quan tâm mua nhà vào thời điểm này.
Theo Quỳnh Chi
Danviet.vn