Khó khăn của thị trường bất động sản nước ta chủ yếu là chủ quan do các vấn đề nội tại của nền kinh tế, của chính thị trường.
Nguyên nhân đầu tiên là vướng mắc từ quy định pháp luật và dưới luật. Tổng kết có tới 70% khó khăn của thị trường bất động sản là do vướng mắc về pháp lý. Một số quy định pháp luật, quy định dưới luật không phù hợp với quy định của luật hoặc xung đột với nhau. Thủ tục hành chính cũng tác động làm khó khăn vướng mắc cho thị trường. Bên cạnh đó, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ công chức có liên quan đến thị trường chưa cao, còn đùn đẩy trách nhiệm, đùn đẩy hồ sơ, không dám ra quyết định nên dự án bất động sản gặp khó khăn.
Về phía doanh nghiệp, có tình trạng không thực hiện được đầy đủ các quy định pháp luật đối với dự án, đầu tư dàn trải, không phù hợp với năng lực của mình, không tuân thủ chấp hành pháp luật, thậm chí có trường hợp vi phạm nghiêm trọng pháp luật và phải xử lý như thời gian vừa qua.
Nguyên nhân thứ ba là một số nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản lướt sóng kiếm lời chuyển sang đầu cơ và chính lực lượng này làm nhiễu loạn thị trường trong thời gian vừa qua.
Ông Lê Hoàng Châu cảm thấy vui mừng vì ngày 16/6/2022 BCHTW Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18 để định hướng và phát triển thị trường bất động sản, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến thị trường, đặt ra tổng thể định hướng sửa đổi pháp luật cực kỳ quan trọng để tháo gỡ vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản là vướng mắc pháp luật.
Nghị quyết 18 của TW đã đặt ra mục tiêu cụ thể là đến 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ thống nhất. Chúng tôi rất phấn khởi vì đây là lần đầu tiên Nghị quyết BCHTW Đảng nói trực tiếp đến quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản.
Hiện nay, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã được trình Quốc hội và đang trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo. Theo chương trình xây dựng luật và pháp lệnh 2023, Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng sẽ được ban hành để cùng có hiệu lực vào ngày 1/7/2023.
Chúng tôi còn đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi tiếp một số luật như Luật Đấu thầu, Luật đấu giá tài sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật chứng khoán để đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Nghị quyết 18 là phải sửa đổi Luật đất đai và các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Thị trường bất động sản nước ta hiện nay đang rất khó khăn do thiếu dòng tiền, thiếu thanh khoản, nguồn cung nhà ở không đáp ứng được nhu cầu và thị trường bị mất cân đối về sản phẩm nhà ở có giá vừa túi tiền.
Tại TP Hồ Chí Minh trong 3 năm vừa qua gần như không còn nhà vừa túi tiền, trong khi đó, nhà ở cao cấp chiếm đến số lượng 80% nhà ở trên thị trường, còn lại là nhà ở trung cấp. Nhà ở trung cấp và nhà ở xã hội ở TP Hồ Chí Minh rất thiếu và những người có thu nhập trung bình, thấp, bao gồm cán bộ, công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động, người nhập cư khó có được nhà ở.
Tình hình thị trường bất động sản rất khó khăn, tuy chưa rơi vào suy thoái nhưng nếu không có các biện pháp kịp thời, hiệu quả thì có rủi ro là thị trường bị trượt vào khủng hoảng, suy thoái, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, vì bất động sản là 1 trong 21 ngành kinh tế cấp 1 của đất nước, có tác động đến hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế khác của đất nước.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản . Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nới room tín dụng. Đây là những thông tin tốt đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thay vì chỉ chờ đợi các giải pháp đến từ chính sách, nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay đã chủ động tự tìm cách vượt qua khó khăn.
Chiết khấu, giảm giá, thậm chí là phải tìm doanh nghiệp mạnh hơn để bán lại dự án – đó là những cách mà các doanh nghiệp bất động sản, theo cách nói của các chuyên gia là phải tự “nhóm lửa trong băng” để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó , những phân khúc nhà ở cho người dân đô thị vẫn là điểm sáng trên thị trường hiện nay.
Giải pháp rõ ràng nhất đó là chiết khấu, thực chất là một hình thức giảm giá bán nhưng với điều kiện người mua phải trả một lúc gần hết tiền. Đơn cử, một số dự án đã mạnh tay chiết khấu 40% giá bán, khi người mua thanh toán vượt tiến độ 95%. Các hoạt động mua bán sáp nhập M&A cũng đang âm thầm diễn ra.
Theo ghi nhận, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5 – 2%, một số dự án bất động sản đang triển khai và những người mua nhà đang có hợp đồng giải ngân dở dang đã nhanh chóng liên hệ với các ngân hàng thương mại, để có thể thực hiện nốt khoản vay.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán, VTV)