Mặt bằng giá sơ cấp tăng, chi phí đầu vào tăng và nguồn cung mới khan hiếm được cho là những nguyên nhân chính gây sức ép lên việc tăng giá. Trong khi đó, quỹ đất tại Tp.HCM ngày càng hạn chế làm cho nguồn cung trở nên khan hiếm.
Nguồn cung và sức cầu chung toàn thị trường giảm mạnh so với 2020 trở về trước, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay. Tỷ trọng nguồn cung khu Đông giảm so với năm trước nhưng vẫn ở mức cao, chiếm 58% tổng nguồn cung.
Căn hộ hạng A vẫn là phân khúc chủ đạo dẫn dắt thị trường trong năm 2021, chiếm 72% nguồn cung và 69% lượng tiêu thụ mới. Thị trường tiếp tục năm thứ ba liên tiếp khan hiếm căn hộ hạng C có mức giá dưới 30 triệu Đồng/m2. Khi quỹ đất tại Tp.HCM ngày càng hạn chế làm cho nguồn cung trở nên khan hiếm, thì thị trường tại các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, BR-VT trở thành nguồn cung chủ lực, đặc biệt 2 tỉnh Long An và Đồng Nai chiếm khoảng 68% nguồn cung toàn thị trường.
Đáng nói, nhiều CĐT và sàn môi giới chọn giải pháp giới thiệu sản phẩm, tổ chức mở bán dự án của mình trên các nền tảng công nghệ trong giai đoạn Tp.HCM và các tỉnh thành phía Nam thực hiện lệnh giãn cách toàn xã hội. Thanh khoản thị trường thứ cấp ở mức trung bình, mặt bằng giá có xu hướng giảm trong giai đoạn áp dụng biện pháp phong tỏa toàn xã hội.
Các dự án quy mô lớn, quy hoạch tiện ích nội khu đa dạng, vị trí thuận lợi trong việc kết nối với các khu vực xung quanh và pháp lý rõ ràng có tỷ lệ giao dịch thành công cao. Riêng tại Tp.HCM, năm 2021, thị trường TP. HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới. Tổng kết năm toàn thị trường có 2 dự án mở bán mới,cung cấp ra thị trường khoảng 98 sản phẩm, bằng 17% so với năm 2020. Tỷ lệ tiêu thụ khoảng 52% (tương đương 51 sản phẩm), bằng 15% so với năm trước.
Thị trường đất nền Tp.HCM tiếp tục thiếu vắng nguồn cung mới. Các tỉnh giáp ranh tiếp tục là thị trường chủ đạo. Các dự án tại Tp.HCM chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở các quận/huyện vùng ven như: Bình Chánh, Củ Chi,… Phân khúc đất nền tại Tp.HCM chiếm chủ đạo ở thị trường thứ cấp với các dự án đã có từ những năm trước. Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19 đem lại, nhiều người lo ngại TP.HCM sẽ khó hồi phục trong năm 2022. Thời gian để thị trường này “chữa lành” những “tổn thương” phải mất 1 – 2 năm với bối cảnh dịch được kiểm soát hoàn toàn.
Nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng chỉ ra rằng, thị trường có dấu hiệu bất ổn khi sốt đất khắp nơi, giá các phân khúc bị đẩy cao nhưng giao dịch lại thấp. Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản, cho biết thực tế giao dịch thấp, hạn chế bởi giá bị đẩy quá cao. Giá không phản ánh đúng giá trị thực.
“Các nhà đầu tư, dân kinh doanh bất động sản họ cũng tính được giá trị ở mức độ nào hợp lý. Họ sẽ ngó lơ cho những sản phẩm bị thổi giá quá cao, dẫn tình trạng hấp thụ kém. Càng đẩy giá, càng khó bán, giao dịch càng ít”, ông Đính nói. Vị chuyên gia cho biết, quả thực nguồn cung đang rất khan hiếm, nắm được tình trạng này nhiều môi giới, đầu cơ cứ tiếp tục đẩy giá lên. Nhưng nhiều chỗ đẩy quá cao người ta sẽ không mua. Ông Đính cho biết, các nhà đầu tư, những người có nhu cầu ở thực đều tìm kiếm những khu giá cả hợp lý, chủ đầu tư uy tín. Do đó, những dự án đáp ứng được tiêu chí về giá cả, pháp lý thì vẫn sẽ có thanh khoản tốt.
Ngay sau khi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 được kiểm soát, nhu cầu đầu tư vào bất động sản sau thời gian dài bị nén lại đã bung ra. Tuy nhiên, việc thổi giá gây sốt ảo có thể khiến thị trường gặp khó. Bộ Xây dựng từng chỉ ra rằng có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA – cho rằng, giá đất “thoát ly” giá trị thực không phù hợp với “quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung – cầu” và không phù hợp với thực tiễn của thị trường bất động sản, lại có thể trở thành “dao hai lưỡi” vừa thiệt hại cho người tiêu dùng, vừa có thể bất lợi cho chính các chủ đầu tư vì nếu đưa ra giá bán nhà quá cao mà không được thị trường chấp nhận, dẫn tới làm tăng lượng hàng tồn kho bất động sản. Vị chuyên gia cũng lo ngại giá đất trúng đấu giá quá cao có thể là “rào cản” cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp “sếu đầu đàn”.
Theo các chuyên gia, bước sang năm 2022, với những tiền đề tốt của năm 2021, thị trường bất động sản sẽ ngày càng hồi phục tốt hơn. Cùng với nhu cầu đầu tư trong năm 2022, thị trường bất động sản còn được nhận định sẽ tăng trưởng mạnh do dòng vốn đổ vào loại hình đầu tư này vẫn rất dồi dào.
Tổng Hợp