Khi những “cơn sóng đất” này đi qua, hệ lụy lại vô cùng thê thảm, nhẹ nhàng thì kinh tế suy giảm, nặng hơn vướng nợ nần,… cùng với đó là không ít lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản “xộ khám” vì bị cuốn theo cơn say “sốt đất”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “sốt đất” ảo như thời gian vừa qua, trong đó một phần xuất phát từ sự “buông lỏng” quản lý của chính quyền địa phương khi không đủ quyền lực, không đủ sự quyết liệt hoặc bị tác động bởi lợi ích, quyền lực cao hơn để họ nhắm mắt làm ngơ… cùng với đó là những hạn chế từ Luật Đất đai chưa theo kịp với thực tiễn.
Không chỉ những ông chủ doanh nghiệp bất động sản phải đền tội vì những gì đã gây ra, mà nhiều cá nhân cũng đi gom đất thổ cư, thậm chí đất nông nghiệp, đất rừng, nhận vơ cả đất hoang, rồi san nền, chia lô để bán lại, hay nhiều nơi không có quy hoạch, một cá nhân hoặc nhóm người vẫn đứng lên tự mặc cả, đàm phán với người dân, mở con đường, hình thành dự án “ma” rồi tìm cách lôi kéo khách đến mua, không ít người vì nhẹ dạ cả tin, vì lòng tham phút chốc lao đầu với giấc mơ “đổi đời” để rồi ôm hận, khi thời gian vừa qua giá đất “tụt dốc không phanh”, dự án đã mua không tồn tại, để rồi từ mục đích “lướt sóng” thôi lại bị sóng quật “chìm nghỉm”. Hệ lụy, nhìn từ thực tế là không phải bàn cãi, thế nhưng, từ những hệ hụy này đã cho thấy nhiều bài học nhãn tiền về “lỗ hổng” từ khâu quản lý, quy hoạch.
Trước sự quay cuồng của những cơn “sốt đất”, không ít doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã liều mình mang dự án ra bán, thu tiền của khách hàng, bất chấp các quy định của pháp luật. Thời gian vừa qua, dư luận “nóng” lên khi tại nhiều địa phương những cơn “sốt đất” ảo náo loạn thị trường, người người, nhà nhà đầu tư vào đất, từ đất sạch có quy hoạch, đất nền… cho tới đất ven sông đều ồ ạt tăng giá một cách bất thường. Cơn “sốt đất” đi qua, nhiều nhà đầu tư thắng đậm, nhưng không ít nhà đầu tư bị bỏ lại vì không “thoát được hàng”. Đặc biệt, thiệt hại nặng nề nhất vẫn là những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao để “ôm đất” trong cơn sốt nhưng hiện chưa kịp thoát ra trước khi thị trường “xịt hơi”. Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cũng cho biết, tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn.
Từ đầu năm 2021 đến nay, về cơ bản mức giá bất động sản không có nhiều thay đổi. Nguyên nhân được cho rằng là đợt bùng phát dịch bệnh lần 3 (trước tết Nguyên Đán) và đặc biệt lần 4 từ cuối tháng 4 đến nay với tình hình số lượng mới ca mắc Covid-19 nhiều hơn, các biện pháp quyết liệt của cơ quan chức năng Nhà nước… đã tác động mạnh đến thị trường bất động sản.
Nhật Hạ