Cơ chế xác định giá đất hiện tại còn nhiều bất cập. Khi giá đất được xác định theo giá thị trường không chỉ Nhà nước, mà cả người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.
Thực tế cho thấy, bất cập trong định giá đất là một trong những nguyên nhân gây thất thoát nguồn thu ngân sách địa phương, đặc biệt là trong các hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển công năng sử dụng của công trình xây dựng gắn liền với đất… Bên cạnh đó, nguồn thu ngân sách từ đất đai cũng chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo thành nguồn thu lâu dài, bền vững cho ngân sách.
Số liệu thống kê từ cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho thấy, tiền thuê đất chỉ chiếm từ 9,66-19,06% tổng số tiền thu từ đất và có xu hướng tăng dần qua các năm (năm 2016 đạt 23.672 tỷ đồng, chiếm 19,06%); tiền thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ chiếm từ 1,14-2,46% tổng số tiền thu từ đất và có xu hướng giảm dần qua các năm; tiền thuế thu nhập cá nhân từ chuyển quyền sử dụng đất chỉ chiếm từ 0,42-1,93% tổng số tiền thu từ đất và có xu hướng giảm dần qua các năm.
Tình trạng dự án chưa hình thành nhưng nhiều người biết trước thông tin, gom mua và đầu cơ đất. Vì thế, khi có thông tin một dự án hay một con đường sẽ đi qua khu đất nào, lập tức giá quyền sử dụng khu đất đó được đẩy lên cao nhiều lần so với giá thực tế. Như vậy, trong trường hợp này, việc xác định giá thị trường để doanh nghiệp tự bồi thường cho người dân sẽ gặp nhiều khó khăn, chưa kể khả năng người dân có đất bị thu hồi chưa chắc đã được lợi do nhà đầu tư đã gom đất từ trước, tự đẩy giá lên cao.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, việc cơ quan quản lý vẫn loay hoay trong việc xác định giá đất khiến họ chịu thiệt thòi, không ít trường hợp doanh nghiệp đấu giá đất thành công từ đầu năm 2020 tới nay chưa thể triển khai dự án do vướng tiền sử dụng đất, cho dù đã nộp tạm ứng cũng như lệ phí đầy đủ theo quy định.
Tình trạng chậm giải phóng mặt bằng do giá đất bồi thường thấp hơn nhiều giá thị trường không chỉ diễn ra ở dự án nhà ở, mà còn với dự án hạ tầng giao thông, khi mới đây, Ban quản lý Dự án Đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng – chủ đầu tư 2 dự án lớn là Tuyến vành đai phía Tây 2 và Tuyến ĐH02 Hòa Nhơn – Hòa Sơn cho biết, 2 dự án này bị chậm tiến độ vì lý do này.
Trong khi đó, báo cáo của Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM cho biết, trong gần 100 dự án đang quản lý, có đến phân nửa vướng mặt bằng. Tổng số dự án có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng chưa bố trí vốn giai đoạn 2016-2020 là 42 dự án; giai đoạn 2021-2025 là 5 dự án. Tổng số dự án không đảm bảo thời gian thực hiện là 75 dự án, trong đó 67 dự án vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài; 8 dự án vướng thủ tục đầu tư.
Theo Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM, chi phí cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thường chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư và cần nhiều thời gian thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi, bàn giao mặt bằng để triển khai thi công (từ 14-18 tháng, thậm chí có dự án kéo dài 2-3 năm), nên nếu càng chậm trễ thì càng làm tăng chi phí đầu tư và thực tế là nhiều dự án bị đội chi phí thêm hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng do công tác này vướng mắc kéo dài.
Tại các cuộc họp HĐND các cấp vừa diễn ra ở nhiều địa phương, việc phê duyệt một phương án bồi thường đang là những vấn đề được đề cập tới nhiều nhất, trong đó, đền bù cho người dân không hợp lý, nảy sinh tâm lý bức xúc trong xã hội. Để người dân phải di dời có nơi ở bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, thì ít nhất họ phải được bồi thường những thiệt hại về vật chất với đơn giá cao hơn thông thường từ 1,5 lần giá thị trường trở lên. Tuy nhiên, điều này là không phù hợp nếu áp dụng theo khung giá đất cứng đã được ban hành.
Tổng Hợp