Băn khoăn về điều chỉnh room tín dụng cũng là câu chuyện “nóng” tại các ngân hàng. Khi câu chuyện về điều chỉnh hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng “căng như dây đàn”…
Sự căng thẳng trên thị trường được giãn bớt khi thông tin vào ngày 24/8/2022, Ngân hàng Nhà nước họp với một số tổ chức tín dụng về việc tăng trưởng tín dụng và đặc biệt, đến ngày 26/8/2022, tại Hội nghị trực tuyến về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% (Nghị định 31/2022/NĐ-CP), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chính thức tuyên bố “muộn nhất đầu tuần sau, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông tin đến các ngân hàng về room tăng trưởng tín dụng”.
Lại dồn dập những cuộc điện thoại từ các đồng nghiệp theo dõi lĩnh vực tài chính – ngân hàng đến các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư… : “Thông tin những ngày cuối tháng 8 sẽ nới room có chuẩn xác không? Tỷ lệ nới room dự kiến như thế nào? Những ngân hàng được giao trọng trách tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém chắc room điều chỉnh sẽ cao nhất?…”.
Và rồi lại giải thích: “Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm là 14%, chứ không phải là nới room tín dụng của toàn ngành và việc điều chỉnh room căn cứ vào xếp hạng theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quan trọng nhất là phải đợi văn bản của Ngân hàng Nhà nước gửi các tổ chức tín dụng để xác thực tỷ lệ cụ thể”.
Do các thành viên thị trường đều sốt ruột nên để tránh lọt thông tin, “chiến dịch” lùng sục được khởi động. Ngày 29/8/2022 – thứ Hai đầu tuần, đợi đến chiều nhắn tin hỏi các lãnh đạo ngân hàng xem có thông tin gì về việc điều chỉnh hạn mức tín dụng chưa thì đều nhận được câu trả lời chưa có thông tin.
Sang ngày 30/8/2022, dù đã được chia sẻ văn bản của một ngân hàng về việc không tiến hành các hoạt động cho vay đến ngày 5/9/2022 – thời điểm Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng điều chỉnh, nhưng “guồng quay” vẫn sôi sục với các cuộc điện thoại và nhắn tin hỏi thăm.
Đến chiều muộn ngày 31/8/2022, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, khi các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước rời khỏi nhiệm sở, tin nhắn phúc đáp của các lãnh đạo ngân hàng thương mại là vẫn chưa có văn bản của cơ quan quản lý về điều chỉnh room tín dụng thì mọi việc mới tạm dừng…
Một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý nắm được tình hình căng thẳng room tín dụng tại các ngân hàng bởi số liệu Ngân hàng Nhà nước có được cho thấy, có ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng năm 2022 từ cuối năm 2021.
“Chúng tôi biết có những ngân hàng cho vay bất động sản nhiều nên cạn kiệt room sớm, nhưng không ít ngân hàng nguồn tiền cho vay thực sự đi vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, cơ quan quản lý có cái khó khi ở vị trí người điều hành cả thị trường”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.
Trên thực tế, từ năm 2020 đến nay, kinh tế Việt Nam liên tục trải qua những biến động lớn, ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động ngân hàng. Hiện tại, áp lực lạm phát tăng cao khiến hầu hết ngân hàng trung ương trên thế giới đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất, gây thách thức rất lớn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong khi đó, đặc thù kinh tế Việt Nam là các nhu cầu vốn phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, kênh tín dụng là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế, có tốc độ tăng rất nhanh.
Cụ thể, giai đoạn 2007-2010, tín dụng tăng bình quân trên 36%/năm, tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng rất nhanh, kéo theo các cuộc đua lãi suất, dẫn đến lãi suất cho vay tăng nhanh, nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao.
Nhiều tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán, hệ thống đứng trước bờ vực khủng hoảng, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát lên mức 2 con số với đỉnh điểm vào năm 2008. Theo đó, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Moody’s… đồng loạt cảnh báo việc nới lỏng tín dụng giai đoạn này làm gia tăng nguy cơ rủi ro trọng yếu đối với nền kinh tế, đe dọa an toàn hệ thống, mất khả năng kiểm soát nợ xấu…
Trong khi đó, tín dụng ngân hàng chỉ là một trong các giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước phải điều hành đồng bộ, linh hoạt hài hòa với các công cụ khác để đảm bảo mục tiêu lớn nhất là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và an toàn hệ thống ngân hàng.
Tổng Hợp