Trên thị trường chứng khoán, các mã cổ phiếu bất động sản chủ yếu thuộc 2 lĩnh vực chính là nhà ở và khu công nghiệp. Tuy nhiên, hai nhóm này cũng đang cho thấy có những đánh giá khác nhau.
Trong nửa đầu năm 2021, nhóm cổ phiếu nhà ở không có nhiều khởi sắc, còn nhóm khu công nghiệp cũng đã chững lại từ những tháng đầu năm. Tuy nhiên, do tính chất chu kỳ nên nhóm ngành này thường tăng chậm hơn so với các ngành khác và sẽ tích cực hơn vào cuối năm.
Khi cổ phiếu các dòng khác như thép, ngân hàng, chứng khoán, thực phẩm, phân đạm, dầu khí đều đã tăng thì dòng tiền có xu hướng đổ vào nhóm cổ phiếu có tốc độ tăng chậm hơn, trong đó có cổ phiếu bất động sản, dẫn đến sự tăng giá của cổ phiếu địa ốc thời gian gần đây. Còn về xu hướng, trong khoảng nửa năm hoặc một năm tới, các doanh nghiệp nhóm này khó có thể đạt được doanh thu và lợi nhuận khả quan, đặc biệt với nhóm bất động sản cho thuê.
Với nhóm bất động sản về nhà ở, tốc độ bán hàng được duy trì tương đối ổn và 2 quý cuối năm thường sẽ là lúc các doanh nghiệp hạch toán dần các dự án, nên doanh thu và lợi nhuận có khả năng tăng trưởng mạnh. Vì thế, có thể kỳ vọng trong giai đoạn cuối năm, nhóm này sẽ dẫn sóng thị trường thay cho nhóm ngân hàng. Xét về vốn hóa, đây là nhóm có vốn hóa lớn thứ hai sau ngân hàng.
Đối với các cổ phiếu bất động sản công nghiệp, đặc điểm cổ phiếu ngành này là không phụ thuộc nhiều vào chu kỳ kinh doanh, mà có một xu hướng tăng trưởng bền hơn và đồng pha với dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam. Các doanh nghiệp có quỹ đất lớn là một lợi thế rất lớn trong tương lai. Thông thường, các doanh nghiệp lĩnh vực này đa số sẽ được trả tiền thuê một lần trong một hợp đồng thời hạn dài, nên dịch bệnh chỉ ảnh hưởng đến dòng tiền cũng như lợi nhuận trong ngắn hạn.
Dịch Covid-19 quay trở lại, giáng thẳng xuống nhiều khu công nghiệp trọng điểm phía Nam, khiến không ít chủ đầu tư khu công nghiệp rơi vào tình trạng “đóng băng”, các dự án bị đình trệ và điều này sẽ được thể hiện rõ nhất trong kết quả kinh doanh quý III/2021.
Còn với nhóm nhà ở, với việc các dự án sẽ được đẩy ra thị trường vào cuối năm nay, nên nguồn cung dự báo tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, việc giá nhà đang neo ở mức cao và môi trường lãi suất hấp dẫn 9,2 – 9,5%/năm trong nửa đầu năm – mức thấp nhất trong 10 năm qua, cũng là yếu tố hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản.
Do đó, các doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất lớn sẽ thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư, các mã như VHM (CTCP Vinhomes), NLG (CTCP Đầu tư Nam Long), KDH (CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền) dự kiến sẽ có triển vọng với các dự án được cấp phép xây dựng/giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm, trong đó chủ yếu là quỹ căn hộ thuộc phân khúc trung cấp và bình dân.
Dòng cổ phiếu bất động sản nhà ở đã có sự thay đổi lớn bắt đầu từ quý II/2021, chẳng hạn VHM, lợi nhuận quý này gấp 3 lần cùng kỳ năm 2020, đáng lưu ý là gần như không có lợi nhuận từ hoạt động tài chính, mà chủ yếu từ một trong những hoạt động chính là chuyển nhượng dự án. Không chỉ các mã blue-chip, vốn hóa lớn như VHM, nhiều mã vốn hóa trung bình như NTL (CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm), DPG (CTCP Đạt Phương), IDC (Tổng công ty IDICO), HDC (CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu)… đều có kết quả kinh doanh tích cực. Kết quả này có thể đến từ chu kỳ hạch toán lợi nhuận các dự án được triển khai trong giai đoạn 2015 – 2018 và bắt đầu được thể hiện tại báo cáo tài chính quý II/2021.
Dù đang gặp phải không ít khó khăn vì dịch bệnh, nhưng những tháng cuối năm, cổ phiếu bất động sản nhà ở và khu công nghiệp vẫn có được sức hấp dẫn riêng.
Kiên Cương