Bất chấp đại dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế khiến nhiều ngành nghề điêu đứng, giá nhà đất trong năm 2020 vẫn tăng tốc không theo quy luật nào. Từ đầu năm 2021 đến nay, sự biến động càng bất thường hơn khi nhiều địa phương ghi nhận hiện tượng giá đất tăng chóng mặt.
Giá đất phía Bắc được “đẩy” lên từng ngày
Khoảng 1 tháng trở lại đây, khi hay tin Sun Group sẽ khởi công dự án nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí lên tới 10.000 tỉ đồng tại Vườn Quốc gia Bến En, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, giá đất tại địa phương này đã nhảy vọt, tăng theo cấp số nhân. Giới buôn bán đất lùng sục khắp các xã Hải Long, Hải Vân, Xuân Thái – những nơi nằm trong quy hoạch – để “săn” đất. Không chỉ đất ở mà đất rừng hay đất ruộng họ đều mua.
Tại tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, tình trạng mua bán đất diễn ra khá rầm rộ tại khu vực dự kiến triển khai thực hiện dự án xây dựng Cảng Hàng không Quảng Trị ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh. Hằng ngày, có rất nhiều người đến các khu vực này để giao dịch mua bán, giá đất vì thế được “đẩy” lên từng ngày.
Ở tỉnh Bắc Giang, theo một người môi giới nhà đất tại khu vực Lan Mẫu và Yên Sơn (huyện Lục Nam), giá đất khu vực này có nơi đã tăng nhiều lần so với trước đó, hiện được rao với mức 20-30 triệu đồng/m2, có lô được thổi giá lên tới 40 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, việc mua bán sang tay diễn ra rất nhanh để hưởng chênh lệch cả trăm triệu đồng/lô. Tình trạng này cũng đang diễn ra tại các thôn Chiền, Si, Nội của xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng – nơi gần các KCN Song Khê – Nội Hoàng, Vân Trung.
Tại Ninh Bình, mới đây, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đồ án lập quy hoạch chung khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở huyện Gia Viễn và Nho Quan. Cùng với đó, hàng loạt khu dân cư mới được cấp phép phát triển đã khiến giá đất tại nhiều khu vực tăng chóng mặt. Người dân địa phương cho biết thời điểm cuối tháng 2 và đầu tháng 3, giá đất tại đây bị thổi lên cao do có thông tin về dự án khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình vừa được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt quy hoạch.
Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng của UBND TP Hà Nội bao phủ diện tích trên địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.
Giá đất có sổ đỏ ở huyện Đông Anh đang dao động khoảng 35-70 triệu đồng/m2. Tại khu vực trung tâm thị trấn Đông Anh, đất đấu giá ở ngưỡng 80-100 triệu đồng/m2. Khi quảng bá thông tin về đất ở Đông Anh, hầu hết dân môi giới đều khẳng định huyện này đang được quy hoạch lên quận.
Ăn theo hạ tầng ở miền Nam
Chỉ từ thông tin UBND tỉnh Bình Phước có chuyến khảo sát thực địa tại Hớn Quản vào ngày 19-2 để có cơ sở đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng và Chính phủ giao lại sân bay quân sự Téc-ních để xây dựng sân bay lưỡng dụng (vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng), rất nhiều người ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và những địa phương khác đã đổ xô tìm đến Hớn Quản để mua bán đất.
Điều đáng nói là số nhà đầu tư có nhu cầu thực tế thì rất ít, thay vào đó lực lượng cò mồi chiếm đa số đã tạo ra cơn “sốt đất ảo”, đẩy giá đất lên gấp 3-4 lần so với giá thị trường.
Môi giới đất đai trong và ngoài tỉnh Bình Phước tụ tập đông người, đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá thực tế, dẫn đến nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, lây nhiễm dịch Covid-19. Một số đối tượng còn lôi kéo, xúi giục người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, bán đất, dẫn đến không còn đất sản xuất nông nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Đất xung quanh khu vực sân bay Phan Thiết đã có rất nhiều đợt sốt kể từ khi động thổ sân bay này hồi tháng 1-2015. Nếu như trước đây, mỗi sào đất trên trục đường vào sân bay chỉ có giá trên dưới 200 triệu đồng thì khi các cơn sốt đất xuất hiện, giá đã tăng phi mã, lên 1 tỉ đồng.
Đặc biệt, thời gian cơn sốt lên đỉnh điểm, giá đất nhảy múa từng ngày, thậm chí từng giờ, mỗi sào đất đường ĐT 715 có lúc lên đến 4 tỉ đồng – gấp 20 lần so với trước đó.
Những quán nước quanh trung tâm xã Thiện Nghiệp không còn vắng vẻ như thường thấy mà tấp nập lạ thường. Câu chuyện trên bàn nước cũng không còn xoay quanh việc đồng áng mà là chuyện mua bán, sang nhượng đất, được dẫn dắt bởi nhiều vị khách “lạ mặt và sang trọng”.