Tâm lý tích lũy của người dân càng khiến nhà đất trở thành một loại “của để dành” đáng giá, bên cạnh vàng và tiết kiệm ngân hàng.
Theo các chuyên gia BĐS, giá nhà liền thổ tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có xu hướng dịch chuyển đầu tư vào phân khúc này, thay vì tập trung vào phân khúc căn hộ cao cấp, nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch dòng vốn sang sản phẩm nhà liền thổ nhờ thu được lợi nhuận vốn hóa tốt hơn trong khi quy mô đầu tư tương đương. Đáng chú ý, khách mua nhà liền thổ xuất phát từ cả nhu cầu mua để ở và cho thuê chiếm phần lớn. Nếu khách mua để đầu tư thì cũng ở dạng tích lũy tài sản dài hạn thay vì lướt sóng. Chính vì vậy, giao dịch sang nhượng tại thị trường thứ cấp cũng rất khó khăn do nhu cầu mua cao nhưng nguồn hàng không nhiều.
Trong khi cách đây khoảng 5 năm, lúc các sản phẩm đầu tiên được chào bán ra thị trường, mức giá chỉ rơi vào khoảng hơn 30 triệu đồng/m2 thì hiện nay giá tại đây đã tăng 4,5 – 5 lần. Hay tại một dự án ở khu phía Nam TP.HCM tại thời điểm mở bán vào năm 2017 giá nhà phố chỉ từ 2,4 tỷ đồng/căn thì nay đã tăng lên đến hơn 6 tỷ đồng/căn, các nhân viên môi giới tại đây cho biết, nguồn hàng trên thị trường thứ cấp cũng rất khan hiếm vì ít người có nhu cầu bán lại.
Báo cáo của Công ty dịch vụ BĐS JLL Việt Nam cho thấy, dù dịch Covid-19 đã làm giảm đà tiêu thụ của thị trường, tuy nhiên, lượng bán nhà liền thổ tại TP. HCM trong 3 quý đầu năm 2020 không có dấu hiệu bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí giá vẫn “neo” ở mức cao và có xu hướng tiếp tục tăng. Cụ thể, giá bán sơ cấp quý 3/2020 trung bình khoảng 120 triệu/m2 đất, tăng 37,7% theo năm và 8,4% theo quý. Theo các chuyên gia trong ngành địa ốc, xu hướng tăng giá của phân khúc nhà liền thổ trong suốt thời gian qua chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Và với tình trạng khan hiếm nguồn cung mới như hiện nay dự báo giá sẽ tiếp tục biến động tăng mạnh trong thời gian tới.
Báo cáo quý 3 của Bộ Xây dựng vừa công bố cho thấy, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý 3/2020 tăng mạnh. Tổng số nhà ở đủ điều kiện được bán tăng khoảng 82% so với quý trước. Nhiều địa phương trên cả nước nguồn cung nhà ở có xu hướng tăng so với quý trước và cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, trong quý này có 77 dự án với 35.614 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Riêng tại Hà Nội có 13.300 căn nhà, tăng 79,5%; tại TP.HCM có 6.722 căn nhà, tăng 70%.
Về lượng giao dịch, Bộ Xây dựng cho biết, có 36.884 giao dịch bất động sản thành công. Riêng tại Hà Nội có 2.966 giao dịch thành công (bằng 219% quý 2), tại TP.HCM có 6.722 giao dịch thành công (bằng 170,6% quý 2).
Qua tổng hợp cho thấy, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý 3 bình quân trên cả nước bằng khoảng 110-125% so với quý trước. Giá bất động sản nhà ở chưa thấy có xu hướng giảm giá mà còn tiếp tục tăng.
Báo cáo thị trường quý III/2020 của Bộ Xây dựng cho thấy, dù nguồn cung có tăng nhẹ nhưng giá nhà không có dấu hiệu đảo chiều. Tại Hà Nội, giá bán căn hộ chung cư bình dân khoảng 24,8 triệu đồng/m2, căn hộ chung cư trung cấp khoảng 31 triệu/m2, căn hộ chung cư cao cấp khoảng 37,7 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 0,24% so với quý II/2020).
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, mức giá bán dao động từ 30 – 50 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 0,35% so với quý II/2020). Do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao, dẫn đến giá căn hộ tại Thành phố này tăng vọt.
Theo ghi nhận từ các sàn giao dịch bất động sản, hầu hết dự án mở bán trong 9 tháng đầu năm tại Hà Nội đều có giá trên 30 triệu đồng/m2. Các dự án ở nội đô còn ở mức từ 45 đến hàng trăm triệu đồng/m2.
Các doanh nghiệp cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay, là họ không có quỹ đất để xây dựng. Ngoài ra, các chi phí xây dựng dự án như giá đất,chi phí vật liệu, nhân công đều tăng, cũng khiến các doanh nghiệp e ngại.
Theo HoREA, thị trường bất động sản 10 tháng năm 2020 được chia làm 2 giai đoạn. Cụ thể, từ tháng 3 – 7/2020, thị trường bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường bất động sản trong 3 năm gần đây.
Thị trường bị sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Dù bị tác động bởi đại dịch, nhưng giá bán nhà trên thị trường sơ cấp vẫn “neo” cao. Giá nhà chỉ giảm trên thị trường thứ cấp (hầu hết do bán lại, chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ) và thị trường bất động sản cho thuê. Giao dịch bị sụt giảm dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản. Trong lúc đa số người tiêu dùng bị sụt giảm thu nhập làm sụt giảm khả năng tạo lập nhà ở.