Bộ Xây dựng thừa nhận, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 tại các đô thị lớn rất ít, hầu như chỉ có ở các khu vực xa trung tâm. Các dự án dạng này cũng đẩy giá, từ mức trên dưới 20 triệu đồng/m2 lên trên dưới 25 triệu đồng/m2.
Nguyên nhân khiến giá nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp liên tục tăng cao, một phần là do nguồn cung ngày càng khan hiếm. Ngay trong quý I/2021, các nước chỉ có 2 dự án nhà ở được cấp mới, với 575 căn hộ sẽ được hình thành trong tương lai. Bộ Xây dựng thừa nhận: Hiện, diện tích nhà ở xã hội hoàn thành mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở), còn nhiều dự án chậm triển khai dẫn đến nguồn cung khan hiếm.
Lý giải nguyên nhân việc phát triển nhà ở xã hội chưa như kỳ vọng, Bộ Xây dựng cho rằng, do vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 2.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội). Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí.
Tại nhiều địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở tại các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng. Đặc biệt, cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, có một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng.
Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thống nhất mức lãi suất ưu đãi khi xây dựng nhà ở xã hội là 4,8%/năm. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức lãi suất lý tưởng mà các chủ đầu tư mong muốn. Đầu tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định, quy định chi tiết mức lãi suất cho vay ưu đãi 4,8%/năm, sử dụng để mua, thuê nhà ở xã hội. Theo nhận định của một số chuyên gia, mức lãi suất ưu đãi 4,8% là hợp lý, tạo ra nguồn động lực cho các chủ đầu tư tập trung vào việc phát triển dòng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức lãi suất lý tưởng mà các chủ đầu tư mong muốn.
Mới đây, trong buổi làm việc với UBND TP.HCM, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, thành phố cần sắp xếp thứ tự ưu tiên theo từng nhóm nhà ở. Trong đó, nhà ở xã hội dành cho người nghèo, người có thu nhập thấp, cải tạo nhà chung cư cũ, nhà ở ven kênh rạch phải được ưu tiên phát triển trước. Đối với phân khúc nhà ở thương mại, cần tiếp tục nghiên cứu để ưu tiên một phần tỷ trọng quỹ nhà nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, gắn với liên kết vùng để người dân các tỉnh có thể đến làm việc ở thành phố.
Thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, nhà ở xã hội chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu nhà ở tại TP.HCM, chỉ tương ứng khoảng 3% tổng diện tích mặt sàn xây dựng. Trong giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM có 23 dự án nhà ở xã hội, cung ứng khoảng 1 triệu m2 sàn nhà ở ra thị trường, tương ứng 17.900 căn hộ. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế của người dân lến tới 80.000 căn hộ. Cũng theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp (giá từ 20 triệu đồng/m2 trở xuống) giảm từ 51% năm 2019 xuống còn 1% vào năm 2020. Đây là con số báo động cho sự lệch pha của cơ cấu nhà ở, đòi hỏi các chính sách cần thiết để ổn định thị trường nhà ở. Dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, thành phố cần phát triển khoảng 2,13 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 24.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Để thực hiện kế hoạch trên, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi đôn đốc thực hiện 19 dự án nhà ở xã hội trong danh mục nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành sau năm 2020. Đồng thời cập nhật, rà soát các dự án nhà ở thương mại có quy mô lớn hơn 10 ha, đã xác định quỹ đất 20% để thực hiện nhà ở xã hội.
Nhật Hạ