Mức độ quan tâm đến bất động sản đã bật tăng trở lại trong những tháng cuối năm 2021 khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và việc đi lại giữa các địa phương được nới lỏng. Khả năng phục hồi của bất động sản nghỉ dưỡng phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch.
Theo các chuyên gia, thị trường địa ốc năm 2022 đứng trước nhiều chỉ báo lạc quan ở cả yếu tố vĩ mô và vi mô. Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, đầu tư công được thúc đẩy, các vấn đề pháp lý cũng đang dần được tháo gỡ.
Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch. Theo nhiều dự báo, phải đến năm 2023 ngành du lịch mới có thể quay trở lại như năm 2019 trở về trước và khi đó bất động sản nghỉ dưỡng mới sôi động trở lại. Dù vậy, một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng có thế mạnh vượt trội và tiềm năng thì vẫn có tín hiệu tích cực. Bất động sản hạng sang và siêu sang tại TP HCM vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi loại hình nhà ở vừa túi tiền đang ngày càng khan hiếm. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, thị trường bất động sản 2022 sẽ có nhiều sự phục hồi hơn so với các giai đoạn trước.
Theo đó, các loại hình sẽ tiếp tục có sự quan tâm lớn bao gồm đất nền và nhà thổ cư. Đây là hai loại hình vẫn giữ được lượng quan tâm lớn kể cả trong giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó là loại hình chung cư, biệt thự và nhà liền kề vẫn sẽ được quan tâm.
Năm 2022 được nhận định là năm quan trọng quyết định sự phục hồi của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, tuy nhiên bên cạnh những điều kiện thuận lợi vẫn có không ít thách thức. Phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã trải qua một năm 2021 nhiều khó khăn khi hứng chịu tác động bất lợi kép của đại dịch COVID-19 cũng như những vướng mắc liên quan đến pháp lý.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản công bố mới đây, trong cả quý IV/2021 không có dự án, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch và văn phòng kết hợp lưu trú nào được cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng thẩm định. Tương tự, trong quý IV/2021 cũng không có dự án, đơn vị biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú nào được cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.
Bộ Xây dựng nhận định hoạt động của khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng trong quý IV/2021 đã từng bước hoạt động trở lại ở nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn hết sức hạn chế, chưa thể phục hồi. Do đó, giá các loại bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố thương mại) tại hầu hết các dự án đang mở bán vẫn giữ nguyên mức giá của quý trước đó.
Công suất thuê phòng toàn thị trường chưa tăng, giá thuê phòng khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng bình quân toàn thị trường thời điểm cuối quý IV/2021 giảm khoảng 15÷20% so với thời điểm cuối năm 2020. Trong năm 2022, theo các chuyên gia, sự phát triển của phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ được cải thiện nhờ những quy định của Luật Đầu tư sửa đổi 2020 và Luật Đất đai 2013 sửa đổi đang hoàn thiện; trong đó có những vấn đề pháp lý của bất động sản du lịch.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các đơn vị chuẩn bị mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt, chậm nhất là dịp 30/4 và cố gắng từ cuối tháng 3/2022.
Trong phát triển kinh tế, du lịch là điểm rất mạnh của Việt Nam mà vẫn chưa khai thác được một cách xứng tầm. Do đó, chiến lược phát triển du lịch quốc gia là cơ sở vững chắc để bất động sản nghỉ dưỡng có ‘đất diễn’ bền vững. Theo đó, số lượng và công suất phòng để đáp ứng trong thời gian 3-5 năm tới, vẫn còn thiếu khoảng 200.000 phòng. Đây chính là dư địa rất lớn cho condotel và biệt thự nghỉ dưỡng.
Nhưng hoạt động quản lý, vận hành ra sao thì còn nhiều câu chuyện mang tính chính sách đi kèm. (Ví dụ, chúng ta mở cửa cho du lịch ra sao, sử dụng các biện pháp quảng bá ra thế giới như thế nào theo chiến lược phát triển du lịch quốc gia).
Đáng chú ý, những căn phòng (condotel, biệt thự nghỉ dưỡng…) có thể được đưa vào thị trường bất động sản hay không, lại phụ thuộc vào vấn đề cam kết, thỏa thuận khai thác. Bài toán này, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Nếu chủ đầu tư không chuyên nghiệp, ‘chuẩn chỉ’ ở công tác này, thì cũng không thể bán được sản phẩm. Còn với trường hợp đưa ra các cam kết cùng ‘vượt khó’ với khách hàng trong thời kỳ dịch bệnh, sẽ tiếp tục huy động được vốn.
Tổng Hợp